Nhiều người lo ngại nông sản Trung Quốc sẽ “thống trị” thị trường trong nước khi nông sản từ Trung Quốc và ASEAN vào Việt Nam với mức thuế ưu đãi 0%.  Tuy nhiên, không ít người cho rằng, cạnh tranh là cơ hội để nông nghiệp Việt thay đổi và bứt phá.

Sức ép lớn

Chính phủ vừa công bố danh sách các mặt hàng sẽ được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt 0% theo Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN - Trung Quốc (ACFTA). Theo đó, hàng nghìn mặt hàng khác trong lĩnh vực nông nghiệp như rau củ quả, thực phẩm… được áp ngay thuế suất 0% từ năm 2016 - 2018. Một số dòng thuế còn lại sẽ được cam kết cắt giảm theo lộ trình đến năm 2020. Điều này cho thấy, hàng Trung Quốc, ASEAN sẽ có rất nhiều thuận lợi khi vào Việt Nam, nhất là về giá.

nong_san_bjlp.jpg
Khoai tây Trung Quốc đội lốt khoai tây Đà Lạt. (Ảnh: KT)
Những thống kê hiện tại cho thấy, Việt Nam luôn trong tình trạng nhập siêu hàng Trung Quốc và ASEAN. Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 36 tỉ USD. Trong đó, riêng nhập khẩu nông sản từ Trung Quốc là 146,9 triệu USD.

Như vậy, khi thuế suất nhập khẩu còn 0%, hàng hóa từ Trung Quốc, ASEAN sẽ tăng thêm lợi thế khi vào Việt Nam, đồng thời tạo nên sức ép mạnh lên hàng nội, đặc biệt là hàng nông sản khi mà những mặt hàng của các nước này vốn đã tràn ngập ở thị trường Việt Nam. Điều đáng nói, những sản phẩm của Trung Quốc được hưởng mức thuế nhập 0% vào Việt Nam hiện có mức giá rẻ hơn rất nhiều so với giá trong nước. Bên cạnh đó, một số mặt hàng hoa quả của Thái Lan lại có chất lượng cao, giá cạnh tranh hơn hẳn so với  hàng Việt Nam.

Trước thông tin này, nhiều người tiêu dùng rất lo ngại an toàn thực phẩm của hàng nông sản Trung Quốc, bởi hàng giá rẻ liệu có bảo đảm chất lượng? Với mức thuế 0%, lại càng khuyến khích hàng nông sản Trung Quốc nhập khẩu tràn lan vào Việt Nam. Nếu cơ quan quản lý không kiểm soát chặt thì sức khỏe người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, hàng Việt, hàng Trung Quốc lẫn lộn rất khó phân biệt.

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, việc hàng hóa Trung Quốc tràn vào Việt Nam cũng đặt ra nguy cơ Việt Nam phụ thuộc nặng nề hơn vào Trung Quốc. Bởi trước đây, dù chưa được giảm thuế nhập khẩu về 0% thì nông sản trong nước cũng đã lao đao vì hàng Trung Quốc, Thái Lan.

Thực tế, nông sản nước ta hiện nay gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ. Và câu chuyện “được mùa mất giá”, nông sản không bán được, bị ùn ứ, bị thương lái ép giá... xảy ra thường xuyên. Hàng nhập giá rẻ nhưng lại không đi cùng với hàng rào kỹ thuật nghiêm ngặt sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh không công bằng với hàng trong nước.

Tìm cơ hội trong cạnh tranh

Trái ngược với những lo lắng nêu trên, không ít chuyên gia lại cho rằng việc áp thuế 0%, khiến cho nông sản Việt gặp khó nhưng đồng thời sẽ tạo nên lợi thế để Việt Nam nâng cao giá trị sản phẩm và năng lực cạnh tranh của mình. Bởi cạnh tranh cũng chính là một cơ hội mà Việt Nam phải tận dụng. Nếu tận dụng tốt, đây là cơ hội cho nông sản Việt Nam vươn lên và bứt phá.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, hội nhập là cần thiết, đó là sức ép để nông nghiệp thay đổi để tồn tại, không có cách nào khác. Sức ép của cạnh tranh về chất lượng sẽ biến thành cơ hội cho Việt Nam. Ngoài ra, các doanh nghiệp, các nhà khoa học cũng cần sát cánh cùng nông dân. Nhà nước cần tăng kiến tạo, đa dạng hóa cây trồng, giảm bớt các doanh nghiệp nhà nước về nông nghiệp không hiệu quả...

Bà Chi Lan phân tích, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là hướng đi rất quan trọng. Trong quá trình này, Chính phủ đã đưa ra những phương châm rất đúng đó là “tăng giá trị, giảm đầu vào”. Rõ ràng nông nghiệp Việt Nam không thể tăng trưởng như cũ được. Đó là tăng trưởng quá tiêu tốn. Nguồn lực bỏ ra rất nhiều nhưng không được hưởng bao nhiêu. “Tăng giá trị, giảm đầu vào” phải được thể hiện qua việc sử dụng ít hơn về nước, đất, nông dược, phân bón và giảm đi cả sức lao động quá rẻ của người nông dân để tạo ra được giá trị gia tăng cao hơn, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam - ông Lại Xuân Môn cho biết: “Hoa quả Trung Quốc vào Việt Nam với thuế 0% sẽ có cả cơ hội và thách thức. Điều quan trọng là chúng ta phải biến thách thức đó thành cơ hội”. Để không bị thua ngay trên sân nhà, hoa quả trong nước phải nâng cao chất lượng cả về mặt hình thức và nội dung. Đây là thách thức không hề nhỏ với nông sản Việt trong thời gian tới.

Ông Lại Xuân Môn cũng khẳng định, việc kiểm định chất lượng, an toàn thực phẩm của nước ta còn nhiều hạn chế. Bởi vậy, việc siết chặt quản lý chất lượng hoa quả Trung Quốc vào nước ta cần phải đặc biệt chú trọng. Cần thiết cơ quan kiểm định của hai nước cùng kiểm định./.