Tình trạng nhiều đại lý bán lẻ xăng dầu khu vực phía Nam thời gian qua phải đóng cửa, nghỉ bán hàng khiến dư luận cảm thấy khó hiểu với công tác điều hành thị trường xăng dầu trong nước. Phản hồi từ các DN, đại lý kinh doanh xăng dầu đã được các cơ quan quản lý nhà nước và người tiêu dùng tiếp nhận, trong đó tựu chung lại vẫn xoay quanh 2 lý do: Đại lý nghỉ bán hàng do kinh doanh thua lỗ; nghỉ bán hàng do thiếu nguồn cung xăng dầu.
Những lý do này đã được liên Bộ Công Thương - Tài chính thừa nhận trong thông báo mới đây về những bất ổn trong hoạt động của thị trường xăng dầu. Thông báo nêu rõ: “Nguyên nhân chính của hiện tượng một số DN kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh là do từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, các DN đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng, nên chỉ chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của DN mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định. Nhiều DN đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến DN bán lẻ kinh doanh thua lỗ”.
Điều đáng nói là những tháng đầu năm 2022, ở những thời điểm khi giá xăng dầu thế giới và trong nước cùng tăng cao, rất ít thấy đại lý bán lẻ xăng dầu nào đóng cửa hàng. Người dân, DN tiêu dùng khi đó dù thấy giá cao nhưng vẫn dễ dàng mua được xăng dầu mà không thấy kêu nơi này, chỗ kia bán cầm chừng, hoặc cửa hàng còn xăng dầu mà cố tình không bán, muốn găm giữ hàng chờ giá tăng thêm để hưởng lợi… Thực tế này đã được ghi nhận và có trong thông báo chi tiết từ cơ quan quản lý thị trường các địa phương gửi đến cơ quan điều hành.
Nhưng khi giá xăng dầu trên thị trường giảm nhanh, liên tục và sâu thì câu chuyện lại khác. Ngoài việc củng cố sản lượng xăng dầu sản xuất trong nước, vẫn có hiện tượng DN đầu mối không nhập xăng dầu khiến nguồn cung bị thiếu hụt. Đặc biệt, dù DN đầu mối vẫn phân phối xăng dầu cho các đại lý bán lẻ nhưng mức chiết khấu lại giảm rất mạnh, thậm chí bằng 0 đồng đã dẫn đến hoạt động bán lẻ xăng dầu cho thị trường có nhiều xáo trộn như trong nhận định của liên bộ vừa qua.
Thế nên không phải tự nhiên mà mới đây, tập thể gồm 36 DN kinh doanh xăng dầu tại TP.HCM và ĐBSCL đã phải đồng loạt có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ liên quan đến những bất cập trong việc kinh doanh xăng dầu của liên bộ. Các DN này cho rằng, liên bộ không tính đúng tính đủ chi phí trong giá cơ sở để xảy ra tình trạng chiết khấu âm cho DN.
Cụ thể, sau khi các DN phân phối đã xuất bán xăng dầu với mức chiết khấu bằng 0 đồng, lại thu thêm phí vận chuyển, dẫn đến việc các DN bán lẻ phải chịu tình trạng giá mua vào cao hơn giá bán ra. Thực tế này khiến các DN, đại lý bán lẻ càng bán càng bị lỗ dẫn đến một số DN bị âm vốn, khó có thể trụ nổi nếu tiếp tục với việc giá mua vào bằng hoặc cao hơn giá bán ra, nhưng lại không được ngưng bán do cơ quan điều hành dùng mệnh lệnh hành chính để bắt buộc DN bán lẻ duy trì hoạt động và bán lỗ để ổn định thị trường.
Chính vì thế, nhóm 36 DN đã đề nghị nhà nước cần thay đổi công thức tính giá cơ sở hiện nay; áp dụng chiết khấu cố định theo định mức đối với DN bán lẻ, tránh tình trạng "thả nổi" chiết khấu. Các DN cho rằng, việc không quy định rõ ràng DN bán lẻ được hưởng bao nhiêu trong chi phí kinh doanh định mức, dẫn đến phía DN đầu mối tự do điều chỉnh mức chiết khấu là điều bất hợp lý, dây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến DN bán lẻ luôn chịu thua thiệt, âm vốn. Bởi mức chiết khấu hiện nay là rất quan trọng trong suốt khâu phân phối lưu thông, quyết định đến sự ổn định của thị trường xăng dầu trong nước.
Trước tình trạng trên, theo chỉ đạo của Bộ Công Thương các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu và thực hiện nghiêm kế hoạch phân giao tổng nguồn, hạn mức nhập khẩu tối thiểu để bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước.
Liên bộ Công Thương - Tài chính cũng thống nhất sẽ điều chỉnh tăng mức chi phí vận chuyển xăng dầu từ nhà máy về cảng và mức premium trong nước trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu vào kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/10/2022, để bảo đảm phản ánh đúng mức chi phí phát sinh thực tế của DN, giúp các DN tăng mức chiết khấu trong hệ thống phân phối xăng dầu và giảm thiểu mức tác động vào giá xăng dầu và việc kiểm soát lạm phát của Chính phủ.
Giải pháp của liên bộ đưa ra như trên được cho là “hóa giải” phần nào khó khăn cho DN. Song theo giới chuyên gia, việc điều chỉnh premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu đến cảng tuy đúng đắn trong thời điểm hiện nay song chỉ là giải pháp tạm thời, chỉ giúp giải quyết khó khăn trước mắt. Về lâu dài, Nhà nước cần có đề án về phân phối lưu thông mặt hàng xăng dầu, giảm bớt trung gian để giá bán đến người dân là giá bán cạnh tranh nhất, DN tham gia kinh doanh xăng dầu có lợi nhuận hợp lý trong chuỗi cung ứng.
Theo như đề xuất của chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, Nhà nước cần tính tới việc đa dạng hóa nguồn đầu tư vào lĩnh vực xăng dầu, kể cả nhà đầu tư tư nhân và DN có vốn đầu tư nước ngoài. “Khi có hoạt động đầu tư đa dạng vào thị trường xăng dầu, DN sẽ tự chịu trách nhiệm về giá cả đưa ra thị trường để có mức giá cạnh tranh cho người tiêu dùng. Nhà nước lúc này chỉ đóng vai trò quản lý về chất lượng xăng dầu; chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại; nghĩa vụ thu nộp ngân sách nhà nước”, ông Phú đề xuất và kiến nghị nên duy trì một khung giá sàn trong từng thời kỳ khi thị trường có biến động mạnh. Đặc biệt, thay thế Quỹ BOG xăng dầu hiện nay bằng xây dựng kho dự trữ xăng dầu dài hạn để đảm bảo bình ổn thị trường./.