Chủ động tháo gỡ khó khăn về sản xuất và tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid 19 diễn biến phức tạp, nhất là những mặt hàng nông sản đang vào thu hoạch như rau, vải, nhãn, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ chủ động phối hợp với các địa phương bám sát tình hình thực tế; bố trí lực lượng kiểm dịch thực vật hỗ trợ kiểm tra đối với xuất khẩu nông sản, đặc biệt là vải thiều sắp vào vụ thu hoạch.
Theo đó, Cục Trồng trọt tập trung rà soát thường xuyên cập nhật lại tình hình sản xuất, sản lượng các loại mặt hàng rau củ quả, trong đó có vải thiều. Cục Bảo vệ thực vật cũng đã chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch thực vật chủ động theo dõi, bám sát tình hình thực tế và kịp thời thông báo những thay đổi trong quy trình chống dịch của Trung Quốc ảnh hưởng đến thời gian thông quan để kịp thời xử lý.
Cục cũng yêu cầu bố trí lực lượng kiểm dịch thực vật để hỗ trợ kiểm tra đối với xuất khẩu nông sản tránh ùn tắc tại các cửa khẩu; tập trung cho việc chuẩn bị và hỗ trợ các địa phương để xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản…
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, năm nay Nhật Bản ủy quyền việc giám sát vải xuất khẩu sang thị trường này cho cơ quan kiểm dịch thực vật phía Việt Nam. Do đó, khi nào có hàng hóa xuất khẩu đi Nhật Bản, Cục Bảo vệ thực vật sẽ cử lực lượng kiểm dịch về địa phương để hỗ trợ, phối hợp.
Vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật đã đi kiểm tra và đánh giá 2 cơ sở xử lý vải để xuất khẩu sang Nhật Bản. Theo đó, ngoài các cơ sở đã được công nhận ở tỉnh Bắc Giang, vụ vải năm nay sẽ có thêm 2 cơ sở tại tỉnh Hải Dương. Đến nay, các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói ở các địa phương đều đã sẵn sàng chuẩn bị xuất khẩu vải sang các thị trường. Ngoài các doanh nghiệp (DN) đã từng hợp tác xuất khẩu vải trong những năm trước, Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục liên hệ với các DN để phối hợp với các địa phương trong việc đăng ký các mã số vùng thu mua phục vụ xuất khẩu.
“Các địa phương đã rất chủ động trong công tác chuẩn bị. Sở NN&PTT tỉnh Bắc Giang cũng đã liên hệ với Cục Bảo vệ thực vật về các khâu chuẩn bị để cho xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc cũng như một số thị trường như Mỹ, Nhật và một số các nước khác. Đặc biệt với thị trường Nhật Bản, năm nay họ ủy quyền việc giám sát cho cơ quan kiểm dịch của Việt Nam. Cục đã làm việc với tỉnh Bắc Giang để bắt đầu khi phía Nhật yêu cầu sẽ cử người về hỗ trợ Bắc Giang thực hiện các quy trình kiểm dịch như những năm trước”, ông Trung cho biết.
Tại buổi làm việc với các đơn vị trực thuộc vào đầu tuần này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh nêu rõ, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chủ trì, phối hợp với các đơn vị báo cáo Bộ trưởng về cuộc họp trực tuyến với một số địa phương trọng điểm và các DN lớn nhằm bàn giải pháp thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ quả vải, nhãn và một số rau củ quả khác tại thị trường trong nước trước tác động của dịch Covid 19. Trên tinh thần không để dịch bệnh ảnh hưởng đến xuất khẩu một số sản phẩm nông sản xuất khẩu là thế mạnh của Việt Nam, trong đó có trái cây.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng nêu rõ, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cần chủ trì, tổ chức hội nghị trực tuyến với các Tham tán, Trưởng đại diện thương mại Việt Nam tại Trung Quốc bàn kế hoạch kết nối xuất khẩu rau củ quả trong đó có vải thiều; thị sát tại các tỉnh biên giới trọng điểm về tình hình tiêu thụ, xuất khẩu rau quả để nắm bắt kịp thời và chủ động có giải pháp trước diễn biến hiện nay của dịch Covid 19.
“Vải thiều Hải Dương và Bắc Giang lần đầu tiên lên sàn thương mại điện tử nên cần chủ động chuẩn bị tốt về chất lượng và số lượng. Cục phải phối hợp chặt chẽ với địa phương để nắm bắt có khó khăn và lường trước diễn biến của dịch và chủ động kịch bản. Cục chế biến phụ trách rau quả là nhiều nhất nên xây dựng kịch bản đối với thị trường Trung Quốc và tổ chức họp với các tham tán. Cục chế biến chủ trì họp với các DN lớn thu mua xuất khẩu vải để nắm bắt vướng mắc và xây dựng phương án tháo gỡ. Phương án tiêu thụ nội địa phải tập trung tại các siêu thị”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh yêu cầu.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng lưu ý, Cục Quản lý chất lượng nông sản và thủy sản tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ, có các giải pháp khả thi, kịp thời để tạo thuận lợi cho việc lưu thông, xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa, nhất là đối với nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và kinh doanh nông sản tại các địa phương có dịch Covid 19./.