Thời kỳ đỉnh cao năm 2021, giá trái cau tươi hơn 100.000 đồng/kg khiến nhà nhà ở Đắk Lắk đua nhau trồng loại cây này. Nhưng từ tháng 9 tới nay giá cau rớt mạnh, có thời điểm chỉ còn 15.000 đồng/kg, khiến nông dân và cả những chủ cơ sở thu mua sấy cau trên địa bàn Đắk Lắk đứng ngồi không yên.

Ông Phan Xuân Hòa ở thôn 85, xã Ea Tiêu, huyện Chư Quynh, tỉnh Đắk Lắk đã gắn bó gần 40 năm với việc trồng cau. Gia đình ông có 6.000m2 đất chuyên canh trồng cau kinh doanh. Ông cho biết, trước đây giá trái cau tươi tuy không cao nhưng khá ổn định. Khoảng 3 năm trở lại đây, giá cau liên tục biến động, như năm 2021 có những lúc lên tới 120.000 đồng/kg. Tuy nhiên, từ đỉnh cao, hiện giá cau rớt xuống chỉ trên dưới 20.000 đồng/kg.

“Sản lượng cau năm nay vẫn vậy nhưng giá thấp hơn quá nhiều. Năm ngoái giá cau đắt nhất là 120.000 đồng/kg, còn bình thường là 92.000 đồng/kg nhưng năm nay cau bán chỉ được giá 22.000 đồng/kg”, ông Hòa cho biết.

Ông Nguyễn Đắc Tiến, Chủ tịch Hội nông dẫn xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin cho biết, khi cây cau có giá ổn định, loại cây này đã được người dân đưa về trồng khắp các vườn rẫy cà phê hồ tiêu, nhiều gia đình trồng chuyên canh cau. Nay giá cau xuống thấp khiến nông dân lo lắng.

“Hiện nay bà con đang cắt cau bán nhưng bị thương lái lựa chọn, hạn chế thu mua loại cau tròn. Bà con trồng cau lo lắng, giá đã cau đã giảm thấp nhưng cau tròn không bán được sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của dân”, ông Tiến cho biết.

Giá cau giảm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của nông dân mà còn tác động tới các cơ sở thu mua, chế biến. Ông Nguyễn Hồng Hạnh, ở xã Dray Bhăng (huyện Cư Kuin) bày tỏ, những năm trước, thấy giá cau ổn định nên ông quyết định đầu tư hơn 10 tỷ đồng (chủ yếu là vay ngân hàng), xây dựng hệ thống sấy cau tươi, bảo quản lạnh để xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Nay giá cau giảm sâu mà vẫn không xuất được, gia đình ông như “ngồi trên đống lửa”.

“Trước đây giá cau rất ổn định, quả cau đem lại lợi nhuận cho bà con và các chủ lò. Nhưng hiện Trung Quốc tạm dừng không thu mua cau khiến các chủ lò bên Việt Nam thua lỗ nặng. Giờ chỉ còn cách đưa cau vào container lạnh rồi trữ đó rồi chờ đến ngày Trung Quốc thu mua mới tiêu thụ được. Đầu tư vào việc này hên xui, đầu năm đến giờ đã thua trên 5 tỷ đồng”, ông Hạnh chia sẻ.

TS. Hoàng Mạnh Cường, Trưởng Bộ môn cây lâm nghiệp và ăn quả, Viện Khoa học Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, trong khoảng 5 năm gần đây, do giá cau luôn ở mức cao dẫn đến phong trào trồng cau diễn ra khắp nơi, nhất là ở các huyện Cư Kuin, Cư M’gar, Krông Pắc, thị xã Buôn Hồ… của Đắk Lắk. Cau là nguyên liệu chính làm chế phẩm cho kem đánh răng và kẹo cau và Trung Quốc là thị trường lớn nhất. Nguồn cung thì có 4 nước chính là Philippines, Indonesia, Việt Nam và Thái Lan kể cả Trung Quốc cũng trồng cau.

“Về mặt chính sách và chiến lược, cây cau chưa phải là cây trồng điểm của các tỉnh Tây Nguyên cũng như ở Đắk Lắk. Trồng cau từ trước đến nay vẫn ở mức độ phong trào, trong khi giá cau không ổn định vì phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, khi họ dừng mua người dân sẽ phải bán cau với giá rất rẻ. Chính vì vậy nông dân cần cân nhắc nếu muốn mở rộng diện tích trồng cau kinh doanh”, TS. Hoàng Mạnh Cường khuyến cáo./.