Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử VOV, tại chợ Phùng Khoang (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) trong ngày đầu tiên thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, người dân đi chợ từ sáng sớm để tránh tụ tập đông người. Hôm nay (24/7) là ngày rằm nên chợ đã khá đông, nhưng đa số người dân đều đeo khẩu trang và có ý thức giữ khoảng cách an toàn để phòng dịch Covid-19.
Các tiểu thương tại chợ Phùng Khoang cho hay, tuy là ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện giãn cách lại trùng với phiên chợ ngày rằm nhưng lượng người mua hàng không quá ồ ạt, giá cả cũng không có gì đột biến so với thời điểm trước khi giãn cách. Các mặt hàng thực phẩm tươi sống đắt hàng hơn mọi khi, song hầu hết người dân đều chỉ mua đủ dùng, không có hiện tượng gom hàng tích trữ.
Tại chợ Hà Đông, các quầy bán hoa, rau củ, trái cây và thịt lợn khá đắt hàng. Song, giá cả cơ bản vẫn giữ nguyên so với các phiên trước. Cụ thể, thịt ba chỉ có giá 140.000 đồng/kg, sườn 140.000 đồng/kg, thịt thăn 140.000 - 150.000 đồng/kg…
"Phiên chợ ngày rằm và cuối tuần thường đông khách, hàng hết sớm. Hôm nay cũng vậy, đến khoảng 8 giờ tôi đã bán gần hết hàng”, chị Hoa - một tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Giáp Nhị (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết.
Các loại rau xanh được bán với đa chủng loại như thường ngày, giá cũng không tăng. Chẳng hạn như rau muống vẫn từ 8.000 - 12.000 đồng/mớ; rau mồng tơi 5.000 đồng/mớ; rau ngót 5.000-7.000 đồng/mớ... Riêng mặt hàng hoa quả thì tăng giá nhẹ vì hôm nay là phiên chợ ngày rằm, nhiều người mua hoa và trái cây về lễ.
Chị Thu Hương, khách mua hàng tại chợ Giáp Nhị, chia sẻ, sáng nay chị đi chợ sớm nhưng chủ yếu mua hoa quả thắp hương vì nhà vẫn còn đồ ăn. Chị tranh thủ đi chợ mua hoa quả xong là về nhà ngay. "Các bác trong phường giám sát chặt lắm, tụ tập đông người là bị nhắc nhở ngay. Tôi hôm nay không mua đồ ăn mà chỉ mua đồ cúng rằm nên ra chợ một lát là về nhà", chị Hương nói.
Bà Lành, một khách mua hàng ở chợ Hà Đông cho biết, bà đi chợ một lần mua thực phẩm luôn cho 2 ngày sử dụng để tránh đi ra ngoài nhiều. "Bây giờ hạn chế đi lại, nên hôm nay đi chợ tôi tranh thủ mua luôn rau và thịt đủ dùng cho cả gia đình trong 2 ngày cuối tuần. Giá cả không có gì đắt đỏ mà hàng lại tươi ngon nên tôi không có gì phải lo lắng", bà Lành tâm sự.
Tại phố Yên Phụ (quận Tây Hồ, Hà Nội), vẫn xuất hiện một số người dân đi mua các mặt hàng thiết yếu với số lượng lớn. Nhưng hình ảnh này hiếm thấy trong ngày đầu Hà Nội thực hiện giãn cách.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123. siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hoá bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa,... sẵn sàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân trên địa bàn.
Để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, TP. Hà Nội đã rà soát bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện đã bố trí làm kho dự trữ hàng, mở thêm các điểm bán hàng cố định và các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết. Sẵn sàng huy động hàng nghìn xe chở hàng hóa của các doanh nghiệp phân phối và các quận huyện sẵn sàng đưa hàng kịp thời đến 7.500 điểm bán hàng hóa thiết yếu trên địa bàn.
Do đó, người dân Thủ đô không nên lo lắng, hoang mang, sợ thiếu thực phẩm bởi các chợ truyền thống, các siêu thị, các cửa hàng tiện lợi vẫn hoạt động bình thường, hàng hóa được cung ứng đầy đủ. Ngoài ra, còn có các sàn giao dịch điện tử, hệ thống phân phối hàng hóa online, giao hàng tận nơi.../.