Sau kỳ điều hành xăng dầu ngày 11/11 vừa qua, tình hình cung - cầu xăng dầu trên địa bàn Hà Nội đã bớt “nóng”, nhịp độ mua bán xăng dầu đang dần trở lại bình thường. Khảo sát ngày 15/11 tại một số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy, tốc độ mua - bán xăng dầu đã tăng lên, thời gian người dân chờ mua xăng dầu đã rút ngắn, không còn tình trạng xếp hàng dài chờ đổ xăng.
Ông Chử Văn Minh, trưởng cửa hàng xăng dầu Petrolimex số 1 đường Trần Quang Khải, quận Hoàn Kiếm cho biết, lượng người dân đổ về cửa hàng mua hàng đã giảm dần từ mấy ngày nay, không còn tình trạng xếp hàng kéo dài như thời điểm trước khi tăng giá xăng dầu ngày 11/11. “Sản lượng xăng dầu bán ra tại cửa hàng chỉ còn ở mức 93m3/ngày, giảm khoảng 10% so những ngày trước, trong khi có ngày cao điểm tăng lên tới 120-125m3/ngày”, ông Minh cho hay.
Tương tự, Trưởng cửa hàng xăng dầu Petrolimex số 73 (xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì) Nguyễn Trung Đắc thông tin, sau khoảng thời gian tăng đột biến, nhất là những ngày đầu tháng 11, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng tới 150%, lên 30 m3/ngày nhưng những ngày gần đây bắt đầu giảm dần. “Tính đến cuối giờ chiều ngày 14/11, sản lượng xăng dầu bán ra tại cửa hàng chỉ còn khoảng 7 - 8 m3/ngày”, theo ông Đắc.
Cho biết lượng khách hàng đến mua xăng dầu tại các cửa hàng trực thuộc đơn vị đã giảm, ông Đỗ Hoàng Hà, Giám đốc Xí nghiệp bán lẻ xăng dầu Hà Nội (đơn vị trực thuộc Công ty Xăng dầu khu vực 1-Petrolimex 1) cho biết, nếu như trước ngày 11/11 sản lượng bán ra của đơn vị đạt gần 2.400m3, nhưng sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh từ chiều 11/11, lượng xăng dầu bán ra đã giảm còn gần 2.000 m3 từ ngày 12/11 và tiếp tục giảm mạnh trong những ngày gần đây.
“Nhiều cửa hàng xăng dầu ngoài hệ thống Petrolimex cũng bắt đầu mở cửa bán hàng trở lại nên nguồn cung đã tăng lên, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn, cảnh người dân chen chúc xếp hàng, mất khoảng từ 15-20 phút mới mua được xăng dầu sẽ không còn nữa”, ông Hà tin tưởng.
Có thể thấy, nguồn cung xăng dầu trên địa bàn Hà Nội đang dần ổn định, song theo ý kiến từ một số DN kinh doanh xăng dầu đầu mối, mặc dù các khoản chi phí liên quan xăng dầu đã được điều chỉnh, bổ sung trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 11/11, nhưng mức chiết khấu cho 1 lít xăng dầu tại khu vực I vẫn rất thấp, chỉ vào khoảng 190 đồng, không đủ bù đắp cho chi phí vận chuyển xăng dầu về đến cửa hàng.
Trong khi đó, chi phí kinh doanh xăng dầu gồm nhiều khoản như tiền kho bãi, lương, bảo hiểm xã hội cho nhân viên, tỷ lệ hao hụt của xăng dầu,... Để bảo đảm hoạt động đối với một cửa hàng bán lẻ, mức chiết khấu tối thiểu phải là khoảng 500 đồng/lít. Vì vậy, các DN mong muốn cơ quan điều hành cần phải tính đúng, tính đủ để điều chỉnh các chi phí phát sinh trong xây dựng mức giá cơ sở. Bởi những vướng mắc này đang cản trở các DN đầu mối hạn chế nhập khẩu xăng dầu vì “càng bán, càng lỗ” dẫn đến cạn nguồn cung.
Theo phản ánh của ông Hoàng Hồng Đào, Cửa hàng xăng dầu MyPetrol 1, thuộc Công ty TNHH Đầu tư Chương Dương (đường Nguyễn Văn Linh, quận Long Biên, Hà Nội), tình trạng hết hàng, hay chờ đổ xăng đã đỡ hơn mấy ngày trước, DN đã quay lại tổng kho Đức Giang nhập hàng. “Tuy nhiên do nhu cầu cao, cửa hàng phải tăng sản lượng bán ra nhưng đầu mối chỉ cấp đủ lượng bình quân như trước nên có những lúc xe mua xăng dầu vẫn tràn ra đường để chờ đổ. Hiện chiết khẩu có tăng nhưng vẫn chỉ ở mức 185 đồng/lít là quá thấp”, ông Đào kiến nghị.
Bàn về vấn đề chi phí và chiết khấu cho các DN xăng dầu, các chuyên gia, hiệp hội và DN đều cho rằng, Bộ Công Thương (cụ thể là Vụ Thị trường trong nước) cần phải làm đúng chức trách, tính đúng, tính đủ chi phí các khâu lưu thông kinh doanh xăng dầu, đảm bảo đủ chi phí lưu thông cho các khâu trong kinh doanh xăng dầu. Bộ Công Thương cần yêu cầu ngay các DN đầu mối phải trả phần chi phí kinh doanh định mức khâu bán lẻ cho các DN bán lẻ xăng dầu. Đây là nghĩa vụ của các DN đầu mối, phải chia sẻ khó khăn với các đại lý bán lẻ.
Cùng với đó, Nhà nước cần xác định rõ mặt hàng xăng dầu phải được vận hành tự nhiên theo cơ chế thị trường, Nhà nước chỉ can thiệp trong trường hợp cấp thiết bằng quy định giá cơ sở trong chu kỳ và thời gian cố định. Trong khoảng thời gian đó, các thương nhân đầu mối điều hành giá bán lẻ trong một giới hạn không vượt quá tỷ lệ % so với giá cơ sở.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, Nhà nước cho phép mỗi thương nhân đầu mối có thể quyết định giá bán lẻ trong hệ thống của mình, đồng thời rút ngắn thời gian tối thiểu giữa hai kỳ điều hành giá xuống còn 3 ngày; giữ Quỹ BOG để cân bằng thị trường khu vực cũng như bảo hộ cho mặt hàng dầu diesel và mazut. Muốn vậy, nên xem xét bỏ bớt các khâu trung gian như hệ thông các thương nhân phân phối và tổng đại lý…/.