Lượng hàng tăng - giá giảm
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, trong ngày 1/10, lượng hàng hóa về thành phố khoảng 5.137 tấn, tăng nhẹ so với ngày hôm qua. Trong đó, các hệ thống hiện đại chiếm 1.195 tấn, doanh nghiệp bình ổn chiếm 3.597 tấn, chợ đầu mối 880 tấn.
Bà Ngọc cho rằng, lượng hàng hóa ngày một tăng lên kéo theo giá cả hàng hóa có thể giảm vào những ngày tiếp theo. Sở Công thương cũng đang làm việc, tìm nhiều giải pháp để đưa nhiều nguồn hàng về thành phố.
Đối với việc xét nghiệm cho shipper, đến ngày 30/9, Sở công thương đã nhận đủ kit test và chuyển hết đến các đơn vị xét nghiệm. Sở đang xin ý kiến ngành y tế để tiếp tục thực hiện xét nghiệm cho đối tượng này theo hướng dẫn.
Theo bà Ngọc, shipper là lực lượng quan trọng, đặc biệt trong giai đoạn chống dịch như hiện nay: "Sở Công thương sẽ tiếp tục thực hiện công tác quản lý shipper vì đây là lực lượng sẽ tiếp xúc với nhiều người dân cho nên cũng phải tuân thủ các điều kiện về phòng chống dịch như tiêm vaccine, xét nghiệm".
Phối hợp để đưa người lao động về TP.HCM
Về phương án tổ chức giao thông giữa TP.HCM và các tỉnh, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, theo quy định của các bộ tiêu chí và công văn mà UBND TP gửi tới các tỉnh ngày 30/9 thì người đến thành phố phải tiêm vaccine và có xét nghiệm âm tính. Với các vùng lân cận, do việc qua lại giữa các tỉnh phải có ý kiến của địa phương nên Sở đang phối hợp với các tỉnh để đưa ra phương án. Dự kiến sáng 2/10, Sở Giao thông vận tải TP.HCM sẽ dự họp với các tỉnh để bàn vấn đề này.
Liên quan đến nội dung hiện nay việc vận chuyển lao động từ các địa phương về TP.HCM chỉ có quy định cho các doanh nghiệp lớn, còn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ chưa có phương án cụ thể, ông Bằng cho biết Sở Giao thông vận tải cũng sẽ có phương án để đưa đón những người lao động tham gia sản xuất ở các cơ sở nhỏ trong thành phố. Tuy nhiên, trong văn bản chỉ đạo hiện nay không giới hạn chỉ dành cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lớn. Cho nên, những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ cũng có thể thống kê và gửi danh sách phối hợp đưa lao động về thành phố.
"Kể cả các hộ tiểu thương cũng thông qua các quận huyện, phường xã để có thể tổ chức, có danh sách cụ thể. Quận huyện sẽ là đầu mối gửi Sở giao thông vận tải để sở tổ chức phối hợp với các địa phương khác", ông Bằng nói.
Liên quan giải pháp cho người lao động không được tiêm vaccine theo chống chỉ định được trở lại làm việc, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM cho biết, người bị chống chỉ định tiêm vaccine hiện nay không nhiều. Việc người lao động được đi làm hay không còn phụ thuộc vào cá nhân người lao động và doanh nghiệp: "Nếu những người chủ lao động có thẻ đảm bảo được người này có thể làm việc được ở nhà trong giai đoạn này thì người đó làm việc online. Trong trường hợp khi cơ sở đủ điều kiện hoặc vị trí việc làm đó bắt buộc phải có mặt thì chủ cơ sở và cá nhân phải cam kết để có thể biết rằng hiện nay việc bảo vệ cho người đó được tăng cường hơn".
Tính đến 18h ngày 30/9, TP.HCM có 389.202 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố. Trong đó 1.568 bệnh nhân đang thở máy, số bệnh nhân xuất viện là 2.866 cao hơn số nhập viện tương ứng là 2.046, số ca tử vong ngày 30/9 chỉ còn 2 con số là 96 ca./.