Điểm qua thông tin chứng khoán quốc tế, nền kinh tế Mỹ đón tin vui khi số người xin trợ cấp thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2006. Tuy nhiên, thông tin này cũng gây quan ngại cho nhiều nhà đầu tư chứng khoán. Các nhà đầu tư lo lắng rằng Cục dự trữ Liên bang sẽ dần xóa bỏ các chính sách trợ lực cho nền kinh tế.

Cả ba chỉ số lớn của Mỹ là Dow Jones, Nasdaq và S&P đồng loạt giảm nhẹ từ 0,17% đến 0,34%. Trong khi đó, các sàn chứng khoán hàng đầu châu Á đều tăng điểm trước những thông tin khả quan về nền kinh tế Trung Quốc.

Mở cửa giao dịch, VN-Index giảm 0,48 điểm (-0,1%) xuống 475,11 điểm. Thanh khoản vẫn cạn kiệt, chỉ với 834.610 đơn vị được chuyển nhượng, tổng giá trị tương ứng 10,94 tỷ đồng.

images1251057_cu_the_hoa_3_toi_danh_nguy_hiem_chung_khoan_baodatviet.vn1.jpg
(Ảnh minh họa: T.P)

VN-Index ngụp lặn trong vùng đỏ và phải đến 10h sáng, lực kéo của các blue-chips mới giúp chỉ số này đi lên. Các mã dẫn dắt thị trường trong phiên hôm nay có thể kể đến: VNM (tăng 1.000đ/CP), IJC (tăng 300đ/CP), PET (tăng 300đ/CP), MPC (tăng 1.400đ/CP)…

PVF vẫn nằm trong rổ VN30 nhưng Sở giao dịch chứng khoán đã có quyết định “khai tử” cổ phiếu này. Ngày 24/9, PVF sẽ không còn tồn tại trên sàn HOSE và phiên 23/9 là phiên giao dịch cuối cùng của PVF. Do đó, các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu này trở nên lo lắng, bán tháo mạnh. Điều này thể hiện qua dư bán sàn 3,2 triệu đơn vị ngay từ đầu phiên. Người rao bán PVF đầy rẫy nhưng người mua gần như không có.

Chốt phiên 13/9, VN-Index tăng nhẹ 0,83 điểm lên mức 476,42 điểm. Khối lượng giao dịch rất èo uột, chỉ đạt 28,4 triệu đơn vị, tương đương với 447,4 tỉ đồng. Mức này chỉ bằng 50% so với lượng giao dịch trung bình của tuần trước. Cả sàn chỉ có PVT khớp được trên 2 triệu đơn vị, đạt mức 2,1 triệu CP sang tay.

Trên sàn Hà Nội, HNX-Index tăng 0,16 điểm lên mức 60,18 điểm. Thanh khoản cả ngày chỉ đạt 13,9 triệu đơn vị, tương đương với 95,5 tỉ đồng./.