Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1/12 tới, xăng sinh học E5 sẽ sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tại 7 địa phương và chính thức sử dụng rộng rãi trên toàn quốc từ 1/12/2015.

Tuy nhiên hiện vẫn còn không ít khó khăn cần tháo gỡ xung quanh việc sản xuất và tiêu thụ xăng sinh học. Đây cũng là chủ đề buổi tọa đàm do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức hôm nay tại Hà Nội.

Tại buổi tọa đàm, nhiều câu hỏi của người dân gửi đến chương trình bày tỏ băn khoăn lo ngại về chất lượng của xăng sinh học, liệu có đảm bảo an toàn? Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, nhiên liệu E5 do các doanh nghiệp trong nước sản xuất hoàn toàn sử dụng an toàn trên các động cơ xăng đang lưu hành ở Việt Nam mà không cần phải thay đổi kết cấu hay vật liệu chi tiết.

dttt_vmrp.jpgĐối thoại trực tuyến về xăng sinh học.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, từ 1/9 tới, tỉnh Quảng Ngãi sẽ đồng loạt đưa xăng sinh học E5 vào thay thế A92 để tiêu thụ trên thị trường, trước lộ trình của Chính phủ 3 tháng. Theo lộ trình, cuối năm nay, xăng sinh học E5 sẽ được sử dụng cho phương tiện cơ giới đường bộ tại các địa phương khác gồm Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu và sẽ chính thức sử dụng rộng rãi trên toàn quốc từ cuối năm 2015.

Thứ trưởng Bộ Công Thương - Cao Quốc Hưng cho biết, trước thời điểm Thủ tướng phê duyệt lộ trình, các doanh nghiệp mới tổ chức sản xuất, phối trộn, kinh doanh thí điểm xăng sinh học trên cơ sở tự nguyện. Vì vậy số lượng còn ít. Đến hết năm 2013 mới có 3 doanh nghiệp đầu mối tham gia với 170 cửa hàng bán. Tuy nhiên, từ cuối năm nay hệ thống phân phối sẽ lớn hơn. Vấn đề ở đây là chuẩn bị của các doanh nghiệp đầu mối về tiêu chuẩn, kỹ thuật, khi ấy hệ thống của các doanh nghiệp tham gia sẽ đúng lộ trình.

Tuy nhiên, sản xuất ethanol dùng để pha chế xăng sinh học E5, E10 còn gặp khó khăn, vướng mắc. Tính đến cuối năm 2013, cả nước có 7 nhà máy ethanol được xây dựng, nhưng mới có 3 nhà máy ở Quảng Ngãi, Bình Phước, Đồng Nai sản xuất ethanol đạt tiêu chuẩn để phối trộn nhiên liệu sinh học. Hai nhà máy ở Đắc Nông và Kon Tum thì chưa sản xuất được ethanol đạt tiêu chuẩn. Hiện các nhà máy này mới sản xuất được 65% công suất, sản lượng ethanol chỉ đủ sản xuất cho khoảng 5,4 triệu tấn xăng E5 và 2,7 triệu tấn xăng E10.

Theo Bộ Công Thương, với năng lực hiện có, các nhà máy chỉ đủ đáp ứng cho nhu cầu xăng E5 và E10 đến năm 2016. Do đó, cần có kế hoạch đầu tư phù hợp để đảm bảo nhiên liệu pha chế xăng sinh học đủ đáp ứng cho nhu cầu của cả nước. Tuy nhiên, do lượng tiêu thụ ethanol trong nước còn hạn chế, nên phần lớn sản phẩm của các nhà máy phải xuất khẩu với giá thấp và các đơn vị đang phải sản xuất cầm chừng.

Ông Nguyễn Sinh Khang, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam kiến nghị, Nhà nước cần phải có cơ chế giá cũng như quy hoạch vùng nguyên liệu phù hợp. Tiếp đó là việc hỗ trợ về tài chính, vốn đầu tư cho các nhà máy. Hiện nay mỗi nhà máy đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng, đó là khoản tiền rất lớn đối với các doanh nghiệp. Hy vọng với lộ trình của Chính phủ cùng với các chính sách hỗ trợ sẽ tháo gỡ được khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ xăng sinh học./.