Sáng nay (18/8), tại TP Lạng Sơn, Bộ NN&PTNT phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội nghị “Kết nối tiêu thụ nông sản các tỉnh biên giới Việt Nam- Trung Quốc” với mục đích cung cấp những thông tin về tình hình thương mại nông sản giữa hai nước; phổ biến các quy định liên quan đến xuất nhập khẩu nổng sản, đồng thời giải quyết hướng dẫn những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp hai bên trong việc xuất - nhập khẩu nông sản.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có lợi thế và tiềm năng lớn trong sản xuất nông nghiệp nhiệt đới. Trong những năm gần đây, xuất khẩu nông sản Việt Nam đã có những bước tăng trưởng vượt bậc, tính đến hết tháng 6/2018, đã có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

vov_spv_tqjq.jpg
Nhiều mặt hàng nông sản được trưng bày nhằm quảng bá tới các thị trường khác trong khu vực cũng như quốc tế.
Một trong những thị trường lớn và là truyền thống nhập khẩu nông sản của Việt Nam là Trung Quốc. Trong 7 tháng đầu năm 2018, Trung Quốc là thị trường tăng trưởng xuất khẩu mạnh của Việt Nam, đặc biệt là nông sản, trái cây và thủy sản. Tại hội nghị, các đơn vị và doanh nghiệp hai bên đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác nhằm mở ra hơn nữa cơ hội kết nối, hợp tác giữa nhà sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng 2 nước Việt - Trung. Cũng trong chương trình hợp tác giao lưu kết nối nông sản giữa hai nước, vào tối nay 18/8, Ngày hội Na Chi Lăng 2018 sẽ được diễn ra tại huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

Na Chi Lăng- Một trong những sản phẩm nông sản điển hình của Lạng Sơn được trưng bày tại Hội nghị.
Ông Lý Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định, qua hội nghị, các doanh nghiệp hai bên sẽ được trực tiếp trao đổi, bàn bạc, thống nhất định hướng và giải pháp thực hiện hợp tác nhằm kết nối, giao thương, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh cùng có lợi, đồng thời khẳng định tỉnh Lạng Sơn cam kết luôn đồng hành với doanh nghiệp, giải quyết những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.

“Tỉnh Lạng Sơn cam kết thực hiện nhất quán quan điểm luôn đồng hành với doanh nghiệp, luôn định hướng hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đồng thời triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hợp tác và phát triển. Thực hiện tốt, công khai minh bạch cơ chế chính sách và quản lý điều hành, kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phân công phân cấp giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Quang nói./.