Theo quyết định vừa được liên Bộ Công Thương - Tài chính công bố về điều chỉnh giá các mặt hàng xăng dầu, dầu diesel 0.05S cũng tăng 293 đồng/lít lên 9.873 đồng/lít; Dầu hỏa giữ ổn định giá 8.905 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S giữ ổn định giá 7.225 đồng/kg
Theo Liên Bộ Tài chính- Công Thương, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước ngày 21/3/2016 là 49,949 USD/thùng xăng RON 92; 46,309 USD/thùng dầu diesel 0.05S; 48,053 USD/thùng dầu hỏa; 179,448 USD/tấn dầu mazut 180CST 3.5S.
Như vậy, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới tại kỳ điều hành này so với kỳ điều hành trước liền kề tăng 7,635 USD/thùng đối với xăng RON 92 (tương ứng +18,0%); tăng 5,984 USD/thùng đối với dầu diesel 0.05S (tương ứng +14,8%); tăng 5,438 USD/thùng đối với dầu hỏa (tương ứng +12,8%); tăng 25,263 USD/tấn đối với dầu mazut 180CST 3.5S (tương ứng +16,4%).
Cùng với việc tăng giá bán lẻ, Liên Bộ cũng quyết định giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu như hiện hành.
Cụ thể, chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng dầu như sau: Xăng khoáng: 1.047 đồng/lít; Xăng E5: 1.115 đồng/lít; Dầu diesel: 983 đồng/lít; Dầu hỏa: 909 đồng/lít; Dầu mazut các loại: 231 đồng/kg.
Liên Bộ Công Thương - Tài chính cũng quyết định áp dụng thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu như sau:
Thuế nhập khẩu dầu diesel giảm từ 10% xuống còn 7% (giảm 3%);
Thuế nhập khẩu dầu hỏa giảm từ 13% xuống còn 7% (giảm 6%);
Thuế nhập khẩu dầu mazut giảm từ 10% xuống còn 7% (giảm 3%).
Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn số 189/BTC-QLG ngày 18/3/2016 về điều hành kinh doanh xăng dầu, thuế nhập khẩu áp dụng khi tính toán giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu là thuế nhập khẩu bình quân gia quyền theo sản lượng nhập khẩu từ các nguồn khác nhau. Cụ thể:
Mặt hàng xăng: thuế nhập khẩu áp dụng khi tính toán giá cơ sở là 18,08%;
Mặt hàng dầu diesel: thuế nhập khẩu áp dụng khi tính toán giá cơ sở là 0,60%;
Mặt hàng dầu mazut: thuế nhập khẩu áp dụng khi tính toán giá cơ sở là 0,03%;
Mặt hàng dầu hỏa: thuế nhập khẩu áp dụng khi tính toán giá cơ sở là 0%.
Giá xăng dầu được nhiều công ty kinh doanh xăng dầu dự báo sẽ tăng mạnh hôm nay do trước khi giá xăng dầu trên thị trường thế giới đã liên tục tăng trong mấy ngày qua.
Tính cả tuần trước, giá dầu trên cả hai thị trường Mỹ và London vẫn tăng. Giá dầu tại Mỹ tăng được 2,4% trong tuần tăng thứ 5 liên tiếp, còn giá dầu Brent tăng 2% và đã có 4 tuần tăng.
Từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước đã giảm 4 lần liên tiếp. Nhưng nếu tính từ tháng 6/2015 đến nay, giá xăng dầu đã liên tục giảm 16 lần, với giảm tổng cộng gần 7.000 đồng/lít so với mức giá trước đó.
Theo thống kê mới nhất của trang giá dầu toàn cầu (Global Petrol Prices), qua nhiều lần điều chỉnh giá giảm gần đây nhưng giá xăng Việt Nam hiện thấp hơn trung bình thế giới khoảng 18%. Mức giá xăng Việt Nam trung bình tại thời điểm 14/3/2016 là 0,66 USD/lít (cao hơn so với mức 0,65 USD/lít hồi 29/2/2016), trong khi đó giá xăng dầu trung bình của thế giới hiện nay là 0,9 USD/lít (giữ giá so với hôm 29/2/2016).
So với một số nước lân cận, giá xăng tại Việt Nam thấp hơn Thái Lan (0,88 USD/thùng), Trung Quốc (0,91 USD/lít), Philippines (0,79 USD/lít), Lào (1,16 USD/lít), Campuchia (0,78 USD/lít)… Theo Global Petrol Prices, thống kê giá xăng tại 200 quốc gia trên thế giới, hiện giá xăng thấp nhất tại Kuwait chỉ 0,22 USD/lít, tương đương khoảng 4.900 đồng/lít; cao nhất là tại Hongkong 1,81 USD/lít, tương đương khoảng 40.400 đồng/lít.
Trước đó, lần công bố giá cơ sở xăng dầu Việt Nam gần nhất hôm 4/3/2016 thì giữ nguyên giá xăng RON 92 ở mức 13.752 đồng/lít. Để có mức giá ổn định này, theo Liên Bộ Tài chính – Công Thương, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã chi bình ổn đối với xăng khoáng là 370 đồng/lít./.