Theo lịch điều hành giá xăng dầu, hôm nay (21/9), liên Bộ Công Thương - Tài chính tiếp tục thực hiện điều chỉnh giá xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày.
Thị trường xăng dầu thế giới trong tuần qua có thời điểm giá dầu tăng lên gần 96 USD/thùng, sau đó giảm xuống sát ngưỡng 90 USD/thùng. Tính chung trong 1 tuần gần đây, giá dầu giảm khoảng 2%. Hiện giá dầu thô WTI của Mỹ giao dịch ở mức 85,76 USD/thùng; giá dầu thô Brent giao dịch ở mức 92,1 USD/thùng.
Cập nhật dữ liệu của Bộ Công Thương tính đến ngày 19/9 cũng cho thấy, giá xăng RON92 tại thị trường Singapore giảm còn 87,37 USD/thùng; giá xăng RON95 giảm còn 91.39 USD/thùng; giá dầu hỏa đang là 109,66 USD/thùng; dầu diezel 113,25 USD/thùng; dầu mazut 410,79 USD/tấn.
Trong khi bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trước kỳ điều chỉnh ngày 12/9 là 98,220 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92; giá xăng RON95 là 103,082 USD/thùng; dầu hỏa tại thời điểm đó có giá 131,772 USD/thùng; dầu diezel là 133,682 USD/thùng; dầu mazut 180CST 3,5S có giá 436,502 USD/tấn.
Với những dữ liệu trên, theo tính toán của các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối xăng dầu đầu mối, giá xăng RON92 nhập khẩu đang cao hơn giá bán lẻ trong nước khoảng 700 đồng/lít, xăng RON95 cao hơn khoảng 900 đồng/lít và dầu DO cao hơn khoảng 1.500 đồng/lít.
Do đó, nhiều khả năng trong kỳ điều hành giá lần này, giá xăng dầu trong nước sẽ được điều chỉnh giảm. Mức giảm giá đối với mặt hàng xăng vào khoảng 600 - 800 đồng/lít; giá các loại dầu có thể giảm từ trên 1.500 - 2.000 đồng/lít. Tuy nhiên, mức giảm các mặt hàng xăng, dầu vẫn tùy thuộc vào mức trích lập Quỹ BOG của cơ quan điều hành.
Từ 15h00 ngày 12/9, giá bán lẻ xăng E5RON92 không quá 22.231 đồng/lít; xăng RON95 không quá 23.215 đồng/lít; dầu diesel không quá 24.180 đồng/lít; dầu hỏa không quá 24.418 đồng/lít và dầu mazut không quá 15.039 đồng/kg. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng trong nước đã trải qua 24 lần điều chỉnh, trong đó có 13 lần tăng, 10 lần giảm và 1 lần giữ nguyên. Sau kỳ điều chỉnh ngày hôm nay, giá xăng dầu đang ỏ mức ngang bằng với thời điểm cuối năm 2021.
Theo Bộ Tài chính, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu đến hết quý II/2022 đến hết ngày 30/6 là 310,794 tỷ đồng. Từ ngày 1/4 đến hết ngày 30/6, tổng số trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu là 1.007,807 tỷ đồng; tổng số sử dụng Quỹ Bình ổn giá là 526,726 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lãi phát sinh trên số dư Quỹ Bình ổn giá xăng dương trong quý II/2022 là 1,426 tỷ đồng; lãi vay phát sinh trên số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu âm trong quý II năm 2022 là 1,792 triệu đồng.
Liên quan đến việc có hay không tiếp tục duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 19/9, đa số ý kiến của thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội này tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc cần thiết phải duy trì Quỹ Bình ổn xăng dầu. Bởi đây là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính.
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường, còn có sự điều hành của Nhà nước, việc bỏ Quỹ Bình ổn giá là chưa phù hợp khi quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở.
Thực tế thời gian qua, khi giá xăng dầu thế giới biến động, Quỹ Bình ổn giá đã phát huy vai trò điều hòa, góp phần giảm được tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu, giảm biên độ biến động của giá, từ đó đã giảm thiểu các tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định đời sống người dân.
Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị không tiếp tục duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, do quỹ này không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước và nguồn hình thành được trích lập thông qua giá mua, do người tiêu dùng chi trả (300 đồng/1 lít).
Trong khi hiện nay, giá xăng dầu trong nước đã liên thông với giá thế giới. Việc lập Quỹ bản chất là sự can thiệp của Nhà nước vào một loại mặt hàng có tính nhạy cảm rất cao với thị trường, khiến giá xăng dầu trong nước và thế giới không đồng nhất, không phản ánh đúng tính chất thị trường của hàng hóa.
Trường hợp cần điều tiết giá xăng dầu, nhà nước có thể sử dụng những công cụ khác như thuế, phí hoặc có biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho những đối tượng yếu thế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ giá xăng dầu tăng cao, đây là công cụ điều tiết chủ yếu mà nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng./.