Từ cuối tuần trước đến thời điểm này, giá heo hơi (lợn hơi) trên địa bàn cả nước đã bắt đầu chững lại, song vẫn đạt mức cao kỷ lục trong vài năm gần đây, theo đó thương lái và các chủ cơ sở giết mổ thu mua bình quân từ 50.000 - 56.000 đồng/kg, trong khi cùng kì năm ngoái, giá heo hơi chỉ đạt từ 29.000 - 35.000 đồng/kg.

Theo ghi nhận từ thị trường, tại miền Bắc một số nơi điều chỉnh tăng, giảm giá heo hơi với mức 1.000 đồng/kg. Tại Lào Cai, Thái Bình giá heo hơi tăng từ 54.000 đồng/kg lên 55.000 đồng/kg. Mức giá này đã tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với hồi tháng 3, giúp người chăn nuôi dần gỡ gạc lại phần đầu tư thua lỗ trước đó.  

Tại thị trường phía Nam, giá heo hơi đang ổn định từ 48.000 - 52.000 đồng/kg. Các trang trại đã không còn neo hàng chờ tăng giá mà bắt đầu bung hàng khiến giá thịt heo ở các chợ đầu mối thịt heo của TP HCM có diễn biến khá bất thường.

heo2_bvqe.jpg
Tổng nguồn cung thịt heo của Việt Nam vẫn đảm bảo. (Ảnh minh họa; Báo Thanh niên)
Giá heo hơi trong nước đang ở mức cao khiến lượng thịt heo nhập khẩu Việt Nam ngày càng tăng mạnh. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6/2018, Việt Nam đã nhập khẩu 678 tấn thịt lợn, trị giá 1,03 triệu USD, tăng 50,4% về lượng và tăng 50,7% về trị giá so với tháng 5/2018.

Giá thịt lợn nhập khẩu trung bình đạt 1.524 USD/tấn, tương đương 35.000 đồng/kg, thấp hơn 20.000 đồng/kg so với thịt lợn hơi trong nước. Còn nếu so với giá thịt lợn sau giết mổ, thậm chí còn chênh lệch cao hơn nhiều. Tính trong 6 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã nhập khẩu 2.806 tấn thịt lợn, trị giá 4,88 triệu USD, tương đương 1.739 USD/tấn và 40.000 đồng/kg. 

Lý giải về việc giá lợn tăng cao, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Nguyễn Thành Trung cho rằng, nguyên nhân là do người chăn nuôi sợ thua lỗ nên không mạnh dạn đầu tư tái đàn, dẫn đến quy mô tổng đàn giảm. Trong khi đó, nhu cầu của thị trường tăng cao, nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu. “Việc giá lợn tăng hoàn toàn là do thị trường trong nước và người chăn nuôi chi phối”, ông Trung phân tích.

Theo nhận định của ông Trung, từ nay tới cuối năm 2018, nguồn cung sẽ cao hơn do một số trang trại tái đàn trong đợt biến động giá trước. Do đó, ông Trung khuyến cáo các hộ chăn nuôi cần đề phòng sốt giá ảo, không nên găm hàng chờ giá lên cao. Đồng thời, cần thận trọng khi tái đàn, tránh tái đàn ồ ạt dẫn tới nguy cơ thừa nguồn cung, thua lỗ khi cơn sốt giá đi qua.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, thời gian qua có một số nơi giá heo tăng mạnh thậm chí vượt mức 55.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đó chỉ là hiện tượng cục bộ do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm mạnh sau thời gian khủng hoảng, bên cạnh yếu tố khách quan là mưa bão ở nhiều nơi. Còn tổng nguồn cung thịt heo của Việt Nam vẫn đảm bảo, chăn nuôi trang trại vẫn ổn định.

Trước nhận định của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) về việc nguồn cung thịt lợn dự kiến tăng 1,5 - 2% trong quý III và quý IV, Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn khuyến cáo người chăn nuôi nên xuất lợn đúng tuổi, đúng khối lượng.

Đặc biệt, không nên đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá và tuyệt đối không để các doanh nghiệp chăn nuôi lớn làm giá. Bên cạnh đó, người tiêu dùng có thể cân nhắc chuyển đổi cơ cấu tiêu dùng phù hợp với nguồn cung thực phẩm trong nước hiện nay, góp phần vào nỗ lực bình ổn giá thịt lợn.

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương kiểm tra kỹ và có biện pháp phòng trừ dịch bệnh, nhất là sử dụng vaccine cho đàn lợn nái trên địa bàn. Đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho việc lưu thông các loại gia súc, gia cầm, đặc biệt là đối với mặt hàng thịt lợn./.