Giá dầu thế giới đã ngay lập tức tăng lên 1 USD/thùng sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, trong đó có Nga, hay còn gọi là OPEC+, tối 12/4 đạt được thỏa thuận chưa từng có xét về cả về qui mô cắt giảm và số lượng các nước tham gia.

Dù con số 9,7 triệu thùng cắt giảm mỗi ngày vẫn chưa đủ lớn để kìm hãm đà lao dốc của nhu cầu do đại dịch Covid-19, song đây vẫn được xem là nỗ lực rất lớn của các nước xuất khẩu. Chính phủ nhiều nước cũng lên tiếng hoan nghênh bước đi lịch sử này.

Cuộc họp khẩn cấp diễn ra trong bối cảnh, các quốc gia sản xuất dầu thô gặp khó khăn trong quá trình chốt thỏa thuận giảm sản lượng, để thúc đẩy giá dầu thô tăng lên giữa lúc đại dịch Covid-19 kìm hãm nhu cầu nghiêm trọng. Đây là cuộc họp thứ hai trong 4 ngày qua.

dau_2_BFHQ.jpg
Một cơ sở khai thác dầu tại Beni Suef, Ai Cập. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trên Twitter cá nhân, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia - Abdul Aziz bin Salman khẳng định ,cuộc họp đã kết thúc bằng sự đồng thuận của các nhà sản xuất OPEC+ về việc cắt giảm sản lượng từ tháng 5 tới. Bộ trưởng Năng lượng Kuwait Khaled al Fadhel thì gọi đây là một thỏa thuận lịch sử nhằm giảm sản lượng của các nước thành viên OPEC+ xuống gần 10 triệu thùng/ngày.

Đại diện Mexico Nahle Garcia cũng đánh giá cao thỏa thuận với sự nhất trí của toàn bộ 23 nước tham gia. Trước đó, nước này đã từ chối ký văn kiện vì cho rằng không được đối xử công bằng như những nước khác. Mexico chỉ đồng ý cắt giảm 100.000 thùng/ngày, thấp hơn 1/4 so với hạn ngạch mà OPEC+ muốn phân bổ cho nước này.

Trên Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh giá, đây là một thỏa thuận rất tốt cho tất cả mọi người, sẽ bảo vệ hàng trăm nghìn việc làm trong lĩnh vực năng lượng tại Mỹ. Dù không trực tiếp tham gia thỏa thuận do những quy định ngặt nghèo trong đạo luật “chống độc quyền”, song chính quyền Mỹ cũng bày tỏ sẵn sàng cắt giảm sản lượng. Mỹ cùng với các nước xuất khẩu dầu mỏ khác như Canada và Nauy được kỳ vọng sẽ đóng góp thêm 5 triệu thùng/ngày vào tổng mức cắt giảm toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố: “Trên thực tế, chúng tôi đã cắt giảm sản lượng dầu để phù hợp với thị trường. Nếu bạn nhìn vào Texas hay Bắc Dakota sẽ thấy một số tiểu bang của chúng tôi đã làm rất tốt điều này, họ đã tự động cắt giảm. Tuy nhiên, trường hợp của Nga hay Saudi Arabia lại khác, họ đã tăng sản lượng vào thời điểm mà thị trường không cần. Và rồi, đại dịch Covid-19 xảy ra, dẫn đến sự sụt giảm tới 40% nhu cầu dầu mỏ toàn cầu”.

Có thể nói, những diễn biến khó lường của dịch Covid-19 và tác động mạnh mẽ của nó đối với nhu cầu đã khiến các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới bất ngờ. Việc một nửa dân số toàn cầu phải cách ly nhằm hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 đã dẫn tới sự sụt giảm nhu cầu đi lại, cũng như sản lượng công nghiệp và kéo theo đó là nhu cầu dầu mỏ rơi tự do.

Hồi tuần trước giá dầu đã chứng kiến mức sụt giảm chưa từng có kể từ năm 2002, xuống dưới ngưỡng 21 USD, so với con số 60 USD/thùng cách đó vài tuần. Thực tế này buộc OPEC+, gồm 13 nước thành viên OPEC và 10 nước đối tác, phải hành động.

Để có thể tổ chức được những cuộc họp như thế này, Saudi Arabia và Nga đã chấp nhận nhượng bộ để nối lại đối thoại, chấm dứt cuộc chiến giá dầu và thị phần kéo dài hơn 1 tháng qua. Tổng thống Nga nhiều lần tuyên bố sẵn sàng tham gia nỗ lực toàn cầu nhằm cắt giảm sản lượng 10 triệu thùng/ngày.

“Nga vẫn duy trì tiếp xúc thường xuyên với các đối tác Saudi Arabia và cũng đã có các cuộc thảo luận với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Tất cả chúng tôi đều lo ngại về tình hình hiện nay và thế giới đều đang chờ đợicác hành động phối hợp toàn cầu. Tôi xin nhấn mạnh rằng, phối hợp là cần thiết để đảm bảo sự ổn định lâu dài của thị trường”, Tổng thống Nga Putin nói.

Theo các nhà phân thích thuộc Rystad Energy, OPEC+ đã đạt được thỏa thuận nhằm cắt giảm sản lượng lớn nhất trong lịch sử. Dù mức giảm đã tương đương 10% nguồn cung toàn cầu này vẫn là chưa đủ để vượt qua tình trạng dư thừa nguồn cung tới 30% do đại dịch Covid-19, song thị trường đã có thể tránh được kịch bản tồi tệ nhất./.