Giá xăng liên tục tăng trong thời gian qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp vận tải, taxi. Đại diện các hãng taxi cho biết, trong thời gian sắp tới, giá cước có thể sẽ tăng khoảng 500 đồng/km, mặc dù với sự điều chỉnh này, các doanh nghiệp taxi truyền thống sẽ gặp khó khăn khi phải cạnh tranh gay gắt với Uber và Grab.

Một số doanh nghiệp vận tải ở Hà Nội cho biết đang chuẩn bị phương án điều chỉnh tăng giá cước lên khoảng 7%. Tuy nhiên, việc điều chỉnh cụ thể sẽ được tính toán kỹ lưỡng bởi giá xăng không ổn định. Mỗi lần điều chỉnh tăng giá cước, doanh nghiệp phải tốn nhiều chi phí và thủ tục phức tạp.

vlxd_wjkn.jpg
Giá một số mặt hàng vật liệu xây dựng tại Hà Nội cũng đang tăng từng ngày. (Ảnh minh họa: KT)
Ông Đậu Xuân Ngọc, Giám đốc Công ty Cổ phần du lịch – thương mại và đầu tư Thiên Trường, đơn vị khai thác vận tải tuyến Hà Nội đi Thái Bình, Nam Định, Nghệ An cho biết, với mức giá hơn 18.000 đồng/lít xăng như hiện nay, doanh nghiệp kinh doanh vận tải không có lãi.

“Doanh nghiệp cố gắng giảm bớt một số chi phí để bù đắp vào việc tăng giá xăng dầu, đồng thời đang chờ sự chỉ đạo của các cơ quan quản lý Nhà nước như Sở Tài chính, Sở GTVT và một số đơn vị liên quan. Doanh nghiệp cũng xin với các đơn vị quản lý bến xe giảm bớt giá dịch vụ ra vào bến

Cùng với giá cước vận tải, giá một số mặt hàng vật liệu xây dựng tại Hà Nội cũng đang tăng từng ngày. Cát đen dùng để san lấp được bán với giá 220.000 đồng/m3. Cát xây, tô có giá 290.000 đồng/m3. Cát vàng để đổ bê tông là 420.000 đồng/m3, tăng khoảng 5% so với cách đây 2 tuần.

Do khan hiếm, các chủ vựa vật liệu xây dựng không dám nhận tiền đặt cọc của khách hàng cho cả công trình, còn các nhà thầu chọn giải pháp thi công không khoán vật liệu.

Ông Trần Ngọc Đức, chủ thầu xây dựng ở quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, giá xi măng tăng khoảng 10.000 đồng/tạ. “Bởi vì xăng dầu tăng nên nguyên vật liệu đội giá lên nên trong thời giá biến động như hiện nay, chúng tôi không dám nhận bao thầu cả công trình”, ông Đức nói.

Để đảm bảo nguồn cung và chất lượng hàng hoá, Sở Công Thương TP Hà Nội yêu cầu Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tiến hành kiểm tra từng nhóm ngành hàng để kịp thời tham mưu với UBND thành phố thực hiện bình ổn thị trường.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thành phố đã chỉ đạo Sở Công Thương và các doanh nghiệp phải tham gia chương trình bình ổn giá, phục vụ nhu cầu các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố và các mặt hàng có nhu cầu sử dụng cao. Qua đó, đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho thị trường, đáp ứng được nhu cầu của người dân./.