Lành mạnh từ quan điểm kinh doanh

Là chủ doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh rau an toàn tại địa bàn tỉnh Ninh Bình, hiểu rõ Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, bà Lê Thị Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Công nghệ xanh chuyên sản xuất rau an toàn xác định, doanh nghiệp luôn phải sản xuất kinh doanh lành mạnh, từ chính mục tiêu tạo ra những sản phẩm sạch vì sức khỏe của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sống cũng chính là bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp đang gây dựng. Doanh nghiệp của bà Dung cương quyết không vì lợi nhuận mà tạo ra các sản phẩm không an toàn.

dung_dkgm.jpg
Bà Lê Thị Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Công nghệ xanh ủng hộ quan điểm kinh doanh lành mạnh.

“Công ty luôn quán triệt đến công nhân và các hộ dân tham gia liên kết sản xuất rau an toàn phải tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật do Viện Nghiên cứu rau quả hướng dẫn. Đồng thời, công ty thường xuyên kiểm tra giám sát quy trình sản xuất rau của công nhân; thường xuyên lấy mẫu rau đi kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các chất độc hại khác, đảm bảo cung cấp ra thị trường những sản phẩm rau, củ, quả an toàn nhất”, bà Dung cho biết.

Cùng là doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông nghiệp sạch, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc Công ty CP Nấm Việt cho biết, “thương hiệu của doanh nghiệp phải được xây dựng bằng chính uy tín của sản phẩm trên thương trường và trong tâm trí người tiêu dùng. Rất tiếc trên thị trường hiện nay, vẫn tồn tại những doanh nghiệp kinh doanh không minh bạch, do đó, cơ quan quản lý nhà nước cần tổ chức công bố nguồn gốc, chất lượng sản phẩm rõ ràng. Đây chính là cách làm để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp làm ăn uy tín”, ông Quỳnh đề xuất.

Bộ Công Thương chọn chủ đề cho Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2018 là: Kinh doanh lành mạnh - Tiêu dùng bền vững.

Đại diện cho những người phụ nữ gắn liền với công việc xã hội và cũng là những nhân tố chính trong tiêu dùng sản phẩm hàng hóa, bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Chủ tịch Câu Lạc bộ Phụ nữ với tiêu dùng cho rằng, chủ đề của Ngày Người tiêu dùng năm nay dù mang tính bao quát, nhưng để hiểu rõ về điều này, các doanh nghiệp một khi đã xác định mục tiêu kinh doanh lành mạnh, ngoài việc tạo ra lợi nhuận vẫn phải đảm bảo sản phẩm hàng hóa do doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đúng chất lượng, không làm tổn hại đến môi trường, từ đó góp phần phát triển nền kinh tế chung của đất nước.

“Người tiêu dùng sẽ không thể nào biết được chất lượng sản phẩm hàng hóa có tương xứng với giá trị của nó trên thị trường. Do đó, việc quảng bá sản phẩm và chất lượng giá trị thật của nó vẫn luôn là vấn đề cần phải làm rõ, nhất là trong xu hướng kinh doanh kinh doanh hàng hóa trực tuyến như hiện nay. Các doanh nghiệp hơn lúc nào hết cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề này, vì ngoài việc ảnh hưởng đến quyền lợi, uy tín, thương hiệu bền vững của doanh nghiệp còn tác động trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng”, bà Chi nêu rõ.

Tiêu dùng thông thái tạo quan hệ bền vững

Nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nhìn nhận, trong bối cảnh không ít tổ chức, cá nhân kinh doanh không lành mạnh, vi phạm pháp luật gây thiệt hại quyền lợi người tiêu dùng, thì quan điểm “Kinh doanh lành mạnh” luôn phải được các doanh nghiệp đặt lên hàng đầu.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam mong muốn doanh nghiệp và người tiêu dùng tăng cường hợp tác.
Bởi lẽ, thông điệp này không chỉ là đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, tinh thần thượng tôn pháp luật mà còn vì quyền lợi người tiêu dùng và vì chính quyền lợi của tổ chức, cá nhân kinh doanh. Việc kinh doanh lành mạnh mới góp phần vào tiêu dùng bền vững, vì trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã thành công khi không chỉ biết lắng nghe mà còn chủ động thuê khảo sát ý kiến người tiêu dùng, từ đó đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp.

“Thật đáng tiếc khi sản phẩm của doanh nghiệp khi bán ra bị khuyết tật nhưng trong thời hạn bảo hành, doanh nghiệp lại tìm cách đổ lỗi cho khách hàng để chối bỏ trách nhiệm. Việc làm thiếu trách nhiệm đó, dần dần doanh nghiệp đã tự mình làm sói mòn lòng tin của người tiêu dùng, tự hủy hoại uy tín và thương hiệu”, ông Hùng cảnh báo.

Lưu ý đến thông điệp “Tiêu dùng bền vững”, ông Hùng cho rằng, phía người tiêu dùng cũng cần hợp tác, bày tỏ thái độ xây dựng khi góp ý với doanh nghiệp. Góp ý với tổ chức, cá nhân kinh doanh còn là một quyền của người tiêu dùng. Khi doanh nghiệp và người tiêu dùng hợp tác, tạo được lòng tin, doanh nghiệp tiêu thụ được sản phẩm, người tiêu dùng mua được sản phẩm chất lượng, được dịch vụ hậu mãi tốt là điều hai bên cùng có lợi.

“Để trở thành người tiêu dùng thông thái và bảo vệ được quyền lợi chính đáng, người tiêu dùng nên dành thời gian tìm hiểu để nắm vững pháp luật về quyền và lợi của mình. Người tiêu dùng cần thận trọng khi quyết định mua hàng và sử dụng dịch vụ, không ham rẻ, luôn cảnh giác với những lời quảng cáo “có cánh”. Nâng cao kiến thức tiêu dùng để bảo vệ an toàn cho chính mình, cộng đồng và xã hội cũng chính là bảo vệ cho sự phát triển bền vững của kinh tế đất nước”, ông Hùng khuyến cáo./.