Cá tra là một sản phẩm chủ lực, chiếm hơn 25% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, chiếm hơn 95% tổng giá trị xuất khẩu của ngành cá tra thế giới. Cho đến nay, cá tra đã được xuất khẩu sang hơn 150 nước và vùng lãnh thổ với doanh thu trên 1,8 tỷ USD/năm. Trong đó, EU chiếm 21% tỷ trọng giá trị xuất khẩu của Việt Nam.

ca_tra_knho.jpg
Xuất khẩu cá tra sang EU gặp nhiều rào cản trong thời gian vừa qua (Ảnh: KT)

Tuy nhiên, từ năm 2011, tiêu thụ cá Tra ở EU theo xu hướng giảm mạnh do nhiều nguyên nhân, đã ảnh hưởng không nhỏ tới ngành cá tra, buộc các bên liên quan trong ngành phải tìm giải pháp duy trì và phát triển ngành theo hướng bền vững hơn trên thị trường EU nói riêng và trên thị trường thế giới nói chung.

Khủng hoảng kinh tế tại EU và Việt Nam, cạnh tranh từ các loài cá khác và cạnh tranh chính giữa các nhà xuất khẩu Việt Nam, thông tin bôi nhọ về sản xuất cá tra là những nguyên nhân chính dẫn đến giảm tiêu thụ cá tra. Bên cạnh đó, cũng phải thừa nhận trong nhiều năm qua, chúng ta chưa có các biện pháp và giải pháp hiệu quả và đồng bộ để giải quyết các vấn đề của ngành.

Các thông tin này được đưa ra tại “Diễn đàn Cá tra Việt Nam – Vietfish 2014” với chủ đề “Phát triển bền vững cá tra tại thị trường châu Âu” do VASEP và Diễn đàn Cá tra Việt Nam và các đối tác của SUPA hợp tác với Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản tổ chức hôm nay (6/8).

Diễn đàn này nhằm để các doanh nghiệp và các cơ quan liên quan sẽ tìm ra hướng đi tốt nhất, đóng góp thêm giá trị và nâng cao hình ảnh của cá tra trên thị trường EU và thế giới. Đồng thời, đặt mục tiêu đến năm 2020, việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ cá tra Việt Nam phải an toàn, thân thiện với môi trường, bền vững về kinh tế và xã hội./.