Chuyển đổi số đang tác động sâu sắc đến nền kinh tế, xã hội toàn cầu và thay đổi cách mà người tiêu dùng tương tác với nhau, đặc biệt trước bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Thương mại điện tử (TMĐT) thời gian qua phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong dịch đã tạo thuận lợi lớn cho hoạt động giao thương hàng hóa, đảm bảo hoạt động của đời sống xã hội cũng như phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, TMĐT lên ngôi cũng gắn liền với hàng loạt hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Số lượng các vụ việc mang tính chất lừa đảo trong lĩnh vực TMĐT gia tăng đáng kể và việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng luôn là thách thức đối với tất cả các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng.
Ông Cao Xuân Quảng - Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD - Bộ Công Thương) cho hay, trung bình mỗi năm có từ 1.500 - 2.000 khiếu nại của người tiêu dùng, trong đó phần lớn khiếu nại liên quan đến hình thức mua bán trực tuyến.
“Thời gian qua, Cục CT&BVNTD liên tục nhận được đơn khiếu nại từ người tiêu dùng khi sử dụng các dịch vụ trực tuyến. Chẳng hạn như việc thiếu bảo mật thông tin người tiêu dùng, hay cung cấp thông tin không chính xác, giao hàng không đúng, không giải quyết thỏa đáng khi xảy ra tranh chấp. Số lượng các vụ việc khiếu nại có xu hướng gia tăng một phần nguyên nhân do lượng đơn hàng tăng trưởng mạnh”, ông Quảng nhìn nhận.
Điều đáng nói là qua quá trình theo dõi, Cục CT&BVNTD ghi nhận các sàn TMĐT làm việc khá nghiêm túc, các chính sách với người tiêu dùng được công khai, minh bạch. Hơn nữa, hầu hết các vụ việc khiếu nại giải quyết không thành công đều liên quan đến các cá nhân hoặc hộ kinh doanh nhỏ lẻ trên các sàn TMĐT.
“Sau khi nhận được những khiếu nại, Cục CT&BVNTD sẽ chuyển thông tin, kết nối để các bên cùng giải quyết; đồng thời phối hợp với doanh nghiệp, người bán thúc đẩy giải quyết vấn đề cũng như rà soát, xem xét các quy định nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”, ông Quảng thông tin.
Nhằm tăng cường trách nghiệm của các sàn TMĐT trong việc phối hợp xử lý các phản ánh, khiếu nại của người dùng, hiện nay, các sàn TMĐT lớn như Shopee hay Lazada, người dùng có thể báo cáo xấu hoặc đánh giá mức độ uy tín của người bán hàng trên các sàn TMĐT.
Chia sẻ về các giải pháp bảo vệ người tiêu dùng, đại diện một số sàn điện tử thương mại lớn cho biết, đã xây dựng bộ quy chế quy định trách nhiệm rõ ràng giữa các bên mua sắm, đặc biệt chú ý đến tính minh bạch, đầy đủ và chính xác của thông tin khi cung cấp cho khách hàng; áp dụng chính sách hỗ trợ người tiêu dùng theo cam kết đảm bảo cung cấp trải nghiệm mua sắm trực tuyến bảo mật, an toàn. Bên cạnh đó, các ngân hàng sẽ thanh toàn cho người bán khi đơn hàng được xác nhận, người mua nhận được hàng trong tình trạng tốt và không có bất kỳ khiếu nại nào kèm theo.
Cuối tháng 9 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT. Đây được coi là hành lanh pháp lý quan trọng để bảo vệ người tiêu dùng trên môi trường TMĐT, trong đó quy định, các sàn TMĐT phải minh bạch, công khai thông tin về hàng hóa khi bán hàng để người tiêu dùng nắm rõ trước khi lựa chọn sản phẩm.
Theo bà Hồ Thị Tố Uyên, Phó trưởng Phòng TMĐT - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), với Nghị định 85, chủ website cũng phải công bố những thông tin liên quan đến quy định về bán hàng có điều kiện, công khai giấy phép, giấy chứng nhận khi kinh doanh trên môi trường trực tuyến.
“Riêng những người bán có điểm phạt cao sẽ bị đánh giá kém uy tín và ít được hỗ trợ khi bán hàng trên sàn TMĐT. Với các thông tin vi phạm, các sàn TMĐT phải gỡ bỏ trong vòng 24 giờ sau khi nhận được quyết định từ cơ quan quản lý nhà nước. Các sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng sẽ bị gỡ bỏ”, bà Uyên cho biết.
Cũng theo bà Uyên, ngoài việc áp dụng quy định chặt chẽ hơn với các sàn TMĐT, điểm mới của Nghị định 85 là đưa các hoạt động kinh doanh trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội vào diện quản lý như Facebook, Zalo hay Instagram.../.