Tuy nhiên, chọn phương án nào cũng khó trong lúc này vì nếu tăng giá sẽ tác động đến mặt bằng giá cả thị trường. Còn nếu giảm thuế thì sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, nhất là trong năm 2013 ngân sách rất eo hẹp.

Về tình trạng găm hàng của các cây xăng, ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương khẳng định, nguồn cung hiện nay vẫn đảm bảo, nhưng do giá bán trong nước thấp hơn giá cơ sở nên chiết khấu cho các đại lý của nhiều đầu mối giảm, khiến nguồn hàng về tổng đại lý, đại lý có thể đủ nhưng nhiều cửa hàng do càng bán càng lỗ nên sinh tâm lý không muốn bán.

130_xxl.jpg
Phương án có tính đến giảm thuế nhập khẩu, cho phép doanh nghiệp sử dụng quỹ bình ổn và cả tăng giá xăng dầu.

Về câu hỏi trước đây cứ đến lúc căng thẳng lại có tình trạng găm hàng, theo ông Võ Văn Quyền, một mặt các cơ quan chức năng sẽ phải đi kiểm tra và sẽ xử phạt nghiêm túc nhưng mặt khác, nếu giá xăng dầu lên xuống nhịp nhàng theo cơ chế thị trường, chiết khấu hợp lý thì hiện tượng găm hàng cũng sẽ khó xảy ra. Vì vậy, việc các cây xăng không bán hàng là vi phạm, sẽ phải xử phạt nhưng theo ông Quyền, bên cạnh đó cũng cần thúc đẩy việc thực hiện nghị định 84/2009 về kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường.

Còn theo ông Đỗ Thanh Lam - Cục phó Cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương cho biết, sáng 23/2 Cục Quản lý thị trường đã có công văn hỏa tốc gửi chi cục quản lý thị trường các tỉnh thành yêu cầu rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các cây xăng găm hàng, bán hàng không đủ thời gian đăng ký. Đến cuối giờ chiều 23/2, theo ông Lam, cán bộ Cục Quản lý thị trường đang theo dõi và vẫn chưa thấy báo cáo việc phát hiện cây xăng nào găm hàng./.