Giá dầu thế giới tăng cao đã tác động mạnh tới thị trường xăng dầu trong nước. Mặc dù cơ quan quản lý Nhà nước đã liên tục sử dụng Quỹ bình ổn giá (BOG) xăng, dầu ở mức chi rất cao trong mỗi kỳ điều hành giá, song vẫn không thể kìm chế đà tăng của giá xăng, dầu trong nước. Trong khi xăng, dầu là đầu vào thiết yếu của rất nhiều hoạt động kinh tế - xã hội.

Với tính toán, chi phí xăng, dầu chiếm khoảng 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế. Nếu không có giải pháp mạnh hơn để kiềm chế đà tăng của giá xăng, dầu sẽ tác động mạnh tới giá thành sản phẩm sản xuất, khiến các DN và người dân thêm khó khăn hơn.

Từ thực tế hoạt động của DN cung ứng hàng hoá cho thị trường cũng như xuất khẩu hàng hoá ra nước ngoài, ông Lê Anh Tuấn - Phó TGĐ Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, ngay sau khi giá xăng, dầu được điều chỉnh tăng tại kỳ điều hành ngày 26/10, Hapro đã nhận được thông tin tăng giá cước vận tải từ các đối tác.  

“Hàng hóa DN thuê vận chuyển đến cảng Hải Phòng được các DN vận tải thông báo sẽ tăng cước trong một vài ngày tới. Điều này dĩ nhiên sẽ tác động đến hàng hóa của Việt Nam sẽ không cạnh tranh được so với giai đoạn trước đây và so với các nước khác có sản phẩm cùng loại”, ông Anh Tuấn nói.

Theo ông Lê Anh Tuấn, giải pháp hỗ trợ cho DN và thị trường, giúp đẩy “lực cầu” trong nước vốn đã rất yếu bởi tác động của dịch bệnh, chính là cân nhắc giảm thuế mặt hàng này.

“Chi phí xăng, dầu vừa là trực tiếp vừa gián tiếp. Trực tiếp đối với những ai phải lưu thông, di chuyển nhưng khi chi phí cho xăng dầu nhiều sẽ khiến giảm chi tiêu của bản thân người dân cho những việc khác. Gián tiếp ở đây sẽ làm tăng giá của hàng hóa khác. Do đó, DN quan tâm đến vấn đề Chính phủ có thể nghiên cứu hỗ trợ người dân trong giai đoạn này về chính sách thuế và phí đối với xăng dầu ít nhất là trong ngắn hạn để tạo điều kiện cho người dân và DN có cơ hội hồi phục và phát triển”, Phó TGĐ Hapro phân tích.

Thời gian qua, các DN xăng dầu cũng gặp rất nhiều khó khăn, bởi khi dịch Covid-19 hoànhhành, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đi lại đều bị hạn chế. Trong khi đó, giá xăng, dầu trên thị trường thế giới liên tục tăng cao. Để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và sinh hoạt của người dân, hạn chế mức tăng giá xăng dầu, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện chi sử dụng liên tục Quỹ BOG ở mức cao.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ BOG đã chi liên tục với mức chi từ 100-2.000 đồng/lít/kg tại mỗi kỳ điều hành. Điều này đã khiến cho nhiều đầu mối bị “âm quỹ”, trong đó 2 đầu mối lớn là Petrolimex và Pvoil hiện đã âm quỹ lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Dư địa để điều hành giá xăng dầu lúc này dường như chỉ còn trông chờ vào chính sách thuế.

Trong khi đó, cơ cấu giá thành sản phẩm xăng, dầu, các loại thuế, phí hiện chiếm khoảng 42% đối với mặt hàng xăng và tỷ lệ này đối mặt hàng dầu là khoảng 24-30%. Vì vậy, ngoài việc sử dụng hiệu quả linh hoạt Quỹ BOG cần cân nhắc xem xét việc giảm các loại thuế, phí như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và đặc biệt là thuế bảo vệ môi trường.

“Thuế bảo vệ môi trường hiện nay đối với mặt hàng nhiên liệu sinh học E5 được tính một cách rất cứng nhắc và cơ học, bằng 95% thuế bảo vệ môi trường áp dụng đối với xăng RON92. Điều này chưa đúng với mục tiêu bảo vệ môi trường của loại thuế này, khi thực tế nhiều nước áp dụng thuế bảo vệ môi trường họ tính theo mức giảm phát thải carbon (độ giảm thải carbon đối với nhiên liệu sinh học khi có 5% ethanol giảm thải so với xăng khoáng khoảng 60-70%). Bộ Công Thương đang kiến nghị Bộ Tài chính xem xét lại các loại thuế, đặc biệt là thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng, dầu”, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nêu quan điểm.

Theo tính toán của ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, đối với nền kinh tế Việt Nam, khi giá xăng dầu tăng 10% làm GDP giảm khoảng 0,5%, đây là mức giảm khá lớn, phản ánh tác động rất mạnh của biến động giá xăng dầu tới tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

Các chuyên gia cho rằng, tại thời điểm hiện nay, cần tính đến dư địa thuế trong điều hành giá xăng dầu, cùng với kiểm soát chặt chẽ mặt hàng này, chống thẩm lậu, đầu cơ tích trữ… để vừa giúp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN thuận lợi, vừa góp phần đảm bảo thị trường xăng, dầu hoạt động có hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia./.