Trước tình hình cá chết bất thường tại các tỉnh miền Trung, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị liên quan nhanh chóng xử lý hậu quả, tham gia xác định nguyên nhân kịp thời và nhanh chóng. Đồng thời, Bộ Công Thương thành lập đường dây nóng hỗ trợ thông tin thu mua hải sản, chủ động phối hợp với Bộ NN&PTNT triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân lưu trữ, thu mua, tiêu thụ hải sản.

hs1_rxsv.jpg
Các địa phương miền Trung duy trì thiết lập điểm tiêu thụ hải sản sạch. (Ảnh minh họa: KT)
Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ngay sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường, phối hợp với các chi cục quản lý thị trường địa phương, công an và lực lượng khác không cho đưa cá chết đi tiêu thụ. Các đơn vị thuộc Bộ đã vận động rà soát năng lực lưu trữ xung quanh, vận động các đơn vị thu mua tiêu thụ tại chỗ, duy trì thiết lập điểm tiêu thụ, xác định độ an toàn sản phẩm đánh bắt.

“Bên cạnh việc ngăn chặn tiêu thụ cá chết, kém phẩm chất, Bộ Công Thương còn chủ động kiểm soát giá các mặt hàng khác trước diễn biến giá thủy, hải sản giảm, nhằm mục tiêu đảm bảo cuộc sống và quyền lợi cho người dân”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, sự cố cá chết tại miền Trung đã khiến hoạt động tiêu thụ hải sản bị ngưng trệ và gây tâm lý hoang mang cho người tiêu dùng. Do đó, Bộ Công Thương đã cố gắng vào cuộc với mục tiêu trước hết là phục hồi niềm tin, phục hồi thị trường.

“Bên cạnh việc cung cấp đường dây nóng cho ngư dân và người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã mời gọi các doanh nghiệp tiêu thụ lớn trên thị trường vào cuộc, yêu cầu các thương lái và thương nhân, các doanh nghiệp chế biến tổ chức thu mua hải sản đánh bắt của ngư dân; Tổ chức các đơn vị liên ngành đảm bảo kiểm tra, kiểm soát tốt chất lượng hải sản để phối hợp địa phương mở rộng kết nối cung cầu, đẩy mạnh việc tiêu thụ”, ông Quyền cho biết./.