Thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã nỗ lực kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng gian lận thương mại để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, nhưng kết quả đạt được chưa cao. Muốn đẩy lùi được tình trạng này cần có sự phối hợp hiệu quả hơn nữa của các ngành chức năng, đặc biệt trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm.

Tỉnh Bình Dương đã tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền chống hàng gian, hàng lậu, gian lận thương mại. Tổ chức kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các mặt hàng vi phạm, ngăn chặn kịp thời các hành vi vận chuyển, tàng trữ, mua bán hàng cấm, hàng lậu. Quí 1 năm nay, lực lượng quản lý thị trường tỉnh Bình Dương đã tiến hành kiểm tra hơn 400 vụ và xử lý gần 300 vụ vi phạm với số tiền thu nộp ngân sách hơn 1,3 tỷ đồng.

hang_lau_kvwj.jpg
 

Chỉ riêng trong tháng 4/2017, lực lượng quản lý thị trường của tỉnh đã tiến hành kiểm tra hơn 140 vụ và xử lý vi phạm 80 vụ, thu nộp ngân sách hơn 450 triệu đồng. Trong đó điển hình vào ngày 19/4, Chi cục Quản lý thị trường Bình Dương đã tổ chức tiêu hủy tang vật là các mặt hàng giả mạo nhãn hiệu gồm hơn 4.500 bịch bột nêm Knorr cùng một số rượu ngoại không có nguồn gốc và hơn 4.800 bình gas mini, phương tiện dùng để sang chiết gas trái phép.

Tuy nhiên, do lực lượng phối hợp còn mỏng nên việc kiểm tra, xử lý các vi phạm về kinh doanh hàng giả, hàng gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả chưa cao. Trong khi đó, vai trò của cấp chính quyền cơ sở, các hiệp hội, doanh nghiệp có hàng bị làm giả tuy đã có chuyển biến nhưng việc xử lý chưa kiên quyết; phương tiện, công cụ hỗ trợ, cơ sở pháp lý còn nhiều hạn chế, bất cập. Bên cạnh đó, hiện nay tình trạng cố ý gian lận về đo lường và chất lượng trong kinh doanh xăng dầu vẫn còn xảy ra nhiều, bằng thủ đoạn tinh vi hơn, tình trạng vận chuyển hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất phát từ Bắc vào Nam tập kết tại ga Sóng Thần vẫn còn diễn biến phức tạp...

Ông Trần Văn Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, Sở Công thương tỉnh Bình Dương cho biết: "Nhiều lần kiểm tra và phát hiện ga của Sóng Thần vận chuyển từ các tỉnh biên giới phía Bắc vào đây thì vẫn còn hàng hóa không có nhãn phụ. Đây là một trong hai dạng: Hàng nhập lậu hai là hàng hóa mua của cư dân biên giới, cho nên việc quan trọng để đẩy lùi được thì ở biên giới phải có vấn đề chống buôn lậu tại cửa khẩu cho hiệu quả. Chứ để hàng mà vào nội địa rồi để các cơ quan chức năng bắt giữ thì rất khó khăn, nhất là vấn đề xác minh làm rõ".

Theo các cơ quan chức năng, để nhận biết hàng lậu là không khó bởi nhiều loại hàng hóa không có hóa đơn chứng từ cũng như nguồn gốc xuất xứ. Vì lợi nhuận, không ít người lao vào việc kinh doanh hàng lậu, hàng giả. Trong khi đó, người tiêu dùng lại có thói quen thích hàng giá rẻ nên đã tạo điều kiện cho hàng lậu, hàng giả tiêu thụ được trên thị trường.

Anh Tăng Hữu Cường, một người tiêu dùng ở tỉnh Bình Dương cho biết: "Với tư cách là một người dân, tôi mong muốn các cơ quan sẽ có những biện pháp, chế tài quản lý chặt hơn trong quá trình sản xuất cũng như trong quá trình đưa sản phẩm ra thị trường. Có tiêu chí giám sát sản phẩm khi được đưa ra thị trường chặt chẽ hơn và chất lượng để cho người tiêu dùng khi mà bỏ tiền ra thì được sử dụng sản phẩm đó yên tâm hơn và đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng”.

Đại tá Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự, quản lý kinh tế và chức vụ (PC46), Công an tỉnh Bình Dương cho biết: "Tuy là địa bàn không có biên giới nhưng tỉnh lại có nhiều khu, cụm công nghiệp nên có hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra thường xuyên; đồng thời hệ thống giao thông phát triển tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa nhưng cũng là điều kiện cho tình trạng buôn lậu và kinh doanh hàng giả, hàng gian lận thương mại lợi dụng làm địa bàn sản xuất, chung chuyển tiêu thụ. Thời gian qua, thường nổi lên các đối tượng lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất chung chuyển bằng đường bộ qua địa bàn tỉnh Bình Dương, sau đó xuất khẩu sang các nước thứ 3 theo giấy phép hợp lệ".

Để đấu tranh với tội phạm kinh doanh, sản xuất hàng giả, hàng lậu, các ngành chức năng tỉnh Bình Dương đã tập trung phối hợp phát hiện nhiều hành vi vi phạm và kiên quyết xử lý.

Đại tá Nguyễn Văn Thắng Trưởng phòng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự, quản lý kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh Bình Dương nói: “Cái thứ nhất chúng ta cần rà soát lại hệ thống các văn bản pháp luật quy định về kiểm tra xử lý đối với lĩnh vực này. Thứ hai, công tác tuyên truyền vận động các doanh nghiệp, người dân chấp hành quy định của Nhà nước, tham gia vận động tuyên truyền cho người tiêu dùng để người ta phân biệt được hàng nào là hàng chính phẩm, hàng nào là hàng gian hàng giả từ chối không sử dụng những hàng này".

Để phòng, chống hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng và hàng lậu có hiệu quả, Ban Chỉ đạo Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh Bình Dương cũng yêu cầu các cấp, các ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng không tham gia và tiếp tay cho hàng gian, hàng lậu, gian lận thương mại; thực hiện có kế hoạch, chuyên mục, chuyên đề gắn với nội dung cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Đồng thời, cần có quy định việc xác định giá đối với các mặt hàng cấm kinh doanh, các phương tiện vi phạm tự chế không được mua bán trên thị trường để làm cơ sở cho ngành chức năng xác định thẩm quyền tịch thu phương tiện, tang vật./.