Một số mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt lợn, thịt gia cầm, trứng, bánh, kẹo, bia, nước giải khát và xăng dầu đã được các doanh nghiệp chuẩn bị cho dịp Tết, đảm bảo bình ổn thị trường.

Ngoài ra, nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân, các doanh nghiệp đã chủ động mở rộng hệ thống mạng lưới phân phối hàng hóa đến các huyện vùng sâu, vùng xa; thực hiện các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, mở các đợt chương trình khuyến mại kích cầu tiêu dùng, các hội chợ thương mại ở các quận, huyện. Các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã góp phần tăng khả năng tiếp cận hàng Việt của người dân, đảm bảo hàng hóa có chất lượng để cung ứng trong dịp Tết.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường thành phố Cần Thơ cho biết, lực lượng quản lý thị trường sẽ theo dõi diễn biến thị trường trên địa bàn quận, huyện; thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, chủ động tổ chức lực lượng kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn hàng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

anh_vov_nam_nay_mat_hang_nhu_yeu_pham_trong_nuoc_chiem_tren_90__dksi.jpg
Năm nay mặt hàng nhu yếu phẩm xuất xứ trong nước chiếm trên 90%

Để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong dịp Tết, thành phố Cần Thơ nhập khoảng 700 tấn sản phẩm gia súc và 400 tấn thịt gia cầm, 3 triệu quả trứng. Các sản phẩm chủ yếu được nhập từ các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Riêng mặt hàng rau màu có hơn 1.800 ha với sản lượng trên 30.000 tấn và trái cây khoảng 6.000 tấn đủ đáp ứng nhu cầu thị trường thành phố.

Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết, ngoài việc bình ổn giá cả thị trường sẽ thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất, lấy mẫu nông sản, thủy sản tại các vùng sản xuất, các chợ đầu mối, siêu thị và cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến sản phẩm nông lâm thủy sản để phân tích dư lượng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, hàn the, các chất phụ gia… Đồng thời, mở đường dây nóng để kịp thời ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm.

“Chúng tôi đã thiết lập đường dây nóng để công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, đường dây nóng cố định và đường dây điện thoại di động. Nếu như các tổ chức cá nhân có phát hiện về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm thì thông báo ngày với hai số điện thoại này, để trên cơ sở đó sẽ tổ chức kiểm tra, thanh tra đột xuất và xử lý vi phạm theo quy định”, bà Nguyễn Thị Kiều cho biết.

Để chuẩn bị cho Tết Mậu Tuất 2018, Sở Công Thương thành phố Cần Thơ cũng mời các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán với trị giá hàng hóa hơn 4.500 tỷ đồng, các mặt hàng và giá cả đã được các doanh nghiệp đăng ký. Ngoài ra, Sở Công thương thành phố sẽ tiếp tục theo dõi tình hình giá cả của các mặt hàng chủ lực ở các quận, huyện và các tỉnh trong khu vực để có những điều chỉnh tăng hoặc giảm.

Hàng bình ổn tại một số siêu thị trên địa bàn Cần Thơ

Trong đợt bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán năm nay, 13 tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh đã có sự liên kết để tránh tình trạng đầu cơ hàng hóa, làm lũng đoạn thị trường. Số lượng hàng hóa liên kết để bình ổn thị trường trên 40.000 tỷ đồng.

“Hiện chúng tôi và các tỉnh thành lân cận đã chuẩn bị một số lượng hàng rất lớn. Số lượng hàng này tôi nghĩ là đủ đáp ứng và đủ điều phối thị trường, không để cho tình hình một số cá nhân nào làm lũng đoạn thị trường được trong dịp tết. Trong quá trình điều hành bình ổn giá, chúng tôi có thể điều động hàng hóa từ tỉnh nay sang tỉnh khác trong vòng từ 3 – 4 tiếng đồng hồ về phục vụ khi gặp những trường hợp đột xuất”, ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương thành phố Cần Thơ, cho biết thêm.

Trong dịp Tết Nguyên đán này, ngoài thành lập các đoàn liên ngành tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường, thành phố Cần Thơ cũng tập trung kiểm soát chặt các mặt hàng cấm, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp Tết như vật liệu nổ, pháo nổ, lương thực, thực phẩm kém chất lượng, hàng may mặc, rượu, bia, thuốc lá, bánh kẹo cùng với hoạt động vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm không đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn./.