Nghị định mới sẽ đảm bảo “3 cái hơn”
Theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về dự thảo nghị định kinh doanh xăng dầu mới, Bộ Công Thương sẽ là cơ quan chủ trì điều hành giá bán lẻ xăng dầu. Nghĩa là, Bộ Công Thương sẽ làm nhiệm vụ quản lý thị trường xăng dầu, giá bán lẻ xăng dầu.
Nghị định mới sẽ đảm bảo tăng số lượng nhà phân phối xăng dầu, tránh tình trạng gần như độc quyền hiện nay (Ảnh: KT) |
Có nhiều ý kiến lo ngại rằng, Bộ Công Thương sẽ không thể không bênh các tập đoàn xăng dầu lớn - “những đứa con” của mình, lúc đó chuyện minh bạch giá xăng dầu lại càng khó hơn.
Tại buổi họp báo thường kỳ chiều 2/6 của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Nghị định số 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu đã cho thấy một số bất cập, cần phải sửa đôi. Do đó, Bộ Công Thương đang kết hợp với Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan trong việc xin ý kiến của người tiêu dùng, các địa phương, hiệp hội, để sửa đổi, đưa ra nghị định mới, sao cho công tác quản lý xăng dầu được hiệu quả hơn.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, nghị định mới phải đảm bảo được “3 cái hơn”. Một là tiến đến thị trường hóa lĩnh vực xăng dầu (nghĩa là tăng số lượng nhà phân phối xăng dầu, tránh tình trạng gần như độc quyền hiện nay). Hai là tăng tính công khai, minh bạch công tác quản lý xăng dầu. Ba là quan trọng nhất là phải phục vụ được quyền lợi của người tiêu dùng.
“Quỹ bình ổn để ở đâu không quan trọng”
Ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho biết Việt Nam đang mua xăng dầu qua sàn giao dịch Plat’s của Singapore như nhiều quốc gia khác, hằng ngày mua bán, chốt giá công khai, minh bạch.
Ông Quyền cũng cho biết, hiện nay, quỹ bình ổn do Bộ Tài chính quản lý, tuy nhiên, theo Nghị định số 84, quỹ này được để tại doanh nghiệp để thuận tiện cho việc sử dụng ngay khi cần thiết.
Nếu chuyển quỹ bình ổn cho Kho bạc, khi cần sử dụng quỹ thì thủ tục giải ngân sẽ không phù hợp với biến động của thị trường. Còn nếu để ở ngân hàng, tại một tài khoản riêng thì mọi giao dịch như thu chi như nào vẫn do Bộ Tài chính chủ trì.
Theo ông Quyền, “quỹ bình ổn để ở đâu không quan trọng, quan trọng là ai sẽ quyết định sử dụng quỹ đó; hiện nay Bộ Tài chính vẫn là cơ quan chủ trì”./.