Thị trường hàng hóa những ngày này bắt đầu nóng lên, sôi động hơn như thông lệ hàng năm, khi chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán. Chỉ cách đây ít ngày, số liệu từ Tổng cục thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 đã tăng gần 4% so với cùng kỳ của năm ngoái. Nếu tính bình quân so với cùng kỳ năm 2008 thì mặt bằng giá năm nay đã cao hơn khoảng 7,6%.

Từ nay đến Tết Nguyên đán, còn đó nhiều “sức ép” tăng giá và chắc chắn việc bình ổn giá cả thị trường sẽ không hề dễ dàng. Có thể thấy ngay những sức ép đó như được “cộng hưởng” bởi nhiều yếu tố như: tỷ giá USD cao, cộng với giá nguyên liệu, chi phí vận chuyển nhích lên do giá xăng dầu tăng đã góp phần “kích hoạt” nhiều loại hàng hóa trên thị trường đua nhau tăng giá.

Việc giải ngân gói kích cầu trong những tháng còn lại của năm cùng với nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trong dịp Tết tăng cao… đã và sẽ góp phần làm cho giá cả tăng thêm.

Thêm một nỗi lo nữa khi thực tế ở Việt Nam trong nhiều năm qua, giá cả hàng hóa luôn bị chi phối từ tâm lý người tiêu dùng. Theo “thói quen” cứ đến quý IV này và dịp giáp Tết, giá cả hàng hóa sẽ “tự động” tăng. Ngoại trừ những yếu tố gây sức ép tăng giá như vừa đề cập, không loại trừ khả năng có doanh nghiệp, tổ chức lợi dụng tình hình để “tát nước theo mưa” kiếm lời. Rõ ràng, trong tình hình hiện nay, ngăn chặn tăng giá cần phải được ưu tiên với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp như chuẩn bị nguồn hàng, bình ổn giá và tăng cường kiểm soát thị trường, ngăn chặn tình trạng đầu cơ.

Bên cạnh nỗi lo tăng giá, mất vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết cũng khiến nhân dân lo lắng. Nỗi lo này còn lớn hơn khi từ đầu năm đến nay, hàng loạt sự kiện động trời về mất vệ sinh an toàn thực phẩm được báo chí và cơ quan quản lý phanh phui: ví như hàng trăm tấn sản phẩm gia súc, gia cầm đông lạnh nhập khẩu bị nhiễm khuẩn, quá hạn sử dụng nhưng vẫn lén lút bán ra thị trường.

Chưa ai “đo” được sự mất an toàn vệ sinh thực phẩm đã ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe và đời sống của người dân, nhưng ngay tại Diễn đàn Quốc hội kỳ họp thứ 6 khoá XII vừa rồi, một số liệu được công bố khiến các đại biểu và nhân dân cả nước đều giật mình: đó là hơn 60 triệu dân Việt Nam đang mang giun, sán trong người. Diện tích rau an toàn mới chỉ đạt 8,5% tổng diện tích, có đến 17.000 lò mổ không được kiểm soát, gần 94% cơ sở dịch vụ ăn uống chưa được quản lý về vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Không đáng lo sao được khi chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm gắn chặt chẽ và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mọi tầng lớp nhân dân, một lĩnh vực quan trọng như thế - có tới 5 bộ quản lý, với hơn 1.200 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành… nhưng chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay vẫn trong tình trạng báo động và mất kiểm soát.

Ngăn chặn tăng giá dây chuyền, kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm là hai vấn đề cần phải được cơ quan quản lý đặc biệt quan tâm trong dịp giáp Tết này.

Sự nghiêm túc, cảnh giác, và nghiêm trị những hành động tăng giá theo kiểu té nước theo mưa, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm của cơ quan chức năng giúp người dân yên tâm hơn, an toàn hơn, tiết kiệm hơn với Tết nguyên đán này./.