Nước mắm là loại gia vị không thể thiếu trong bữa ăn của người Việt. Tuy nhiên hiện nay, trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều các loại nước mắm giả nhãn hiệu, nước mắm kém chất lượng chứa hóa chất độc hại khiến người tiêu dùng lo lắng.
Nhiều sản phẩm nước mắm được làm nhái thương hiệu Phú Quốc khiến người tiêu dùng thận trọng |
Theo Tổng cục Thống kê, mỗi năm người dân Việt Nam tiêu thụ hơn 200 triệu lít nước mắm với tổng doanh thu khoảng 7.200 - 7.500 tỉ đồng. Quy mô thị trường nước mắm năm 2015 lên đến 11.300 tỉ đồng, trong đó nước mắm công nghiệp chiếm đến 76% và nước mắm truyền thống chỉ đạt 24% thị phần.
Với thị phần chi phối, nước mắm công nghiệp có mặt khắp ngang cùng ngõ hẻm, từ tiệm tạp hóa nhỏ lẻ đến các cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại… với hàng trăm nhãn hàng khác nhau. Khảo sát tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn Hà Nội, các loại nước mắm giá rẻ như Nam Ngư, Chin Su, Đệ Nhị được bày bán rất nhiều và cũng được phần lớn người tiêu dùng chọn lựa. Các loại nước mắm truyền thống như nước mắm Nha Trang, nước mắm Phú Quốc có số lượng ít hơn và giá cũng cao hơn gấp đôi, gấp ba.
Thực tế, đã có không ít vụ việc về sản xuất nước mắm giả nhãn hiệu, nước mắm kém chất lượng được phát hiện. Điển hình như các vụ làm giả nước mắm có thương hiệu Chin Su, Phú Quốc với số lượng lớn ở Nghệ An, Hà Tĩnh và Vũng Tàu mà lực lượng công an đã phát hiện thời gian vừa qua. Mới đây nhất, qua kiểm tra cơ sở sản xuất nước mắm cá cơm tại phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng chức năng phát hiện nhiều bột chua, phẩm màu, bột chống mốc, đường hóa học sodium cyclamate, bột ngọt xuất xứ từ Trung Quốc. Toàn bộ nguyên liệu này được dùng để pha chế nước mắm cá cơm và đều được mua tại chợ hóa chất Kim Biên. Thực trạng này không những khiến người tiêu dùng lo lắng mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến các thương hiệu sản xuất nước mắm danh tiếng.
Ông Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Công ty Tư vấn phát triển và thương mại Phúc Lâm (đơn vị phân phối sản phẩm nước mắm Phú Quốc) cho biết, hiện nay trên thị trường có những sản phẩm mượn danh Phú Quốc, bản chất đó là những sản phẩm không được phép sử dụng từ nước mắm Phú Quốc trên tem nhãn chính. Tuy nhiên trên thị trường các sản phẩm đó vẫn đang được bày bán. Người tiêu dùng cũng chưa nhận thức đúng đâu là nước mắm Phú Quốc đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý và đâu là nước mắm Phú Quốc mượn danh, do đó dẫn đến sự lẫn lộn trong quyết định tiêu dùng.
Theo ông Thành, về mặt quy trình sản xuất họ sử dụng cá cơm tươi đánh bắt tại đảo Phú Quốc, tỷ lệ cá cơm tươi trong thùng ủ phải trên 85% và tỷ lệ ủ cá với muối hạt là 3 tấn cá trên 1 tấn muối hạt, dụng cụ ủ phải bằng thùng gỗ để đảm bảo an toàn trong quá trình ủ không phát sinh các chất nguy hại.
Các chuyên gia cho biết, các loại nước mắm kém chất lượng, được pha chế hóa chất có thể chứa nhiều mẫu kim loại nặng vượt mức cho phép và vi khuẩn Ecoli, khiến người sử dụng xuất hiện những triệu chứng ngộ độc thực phẩm như tiêu chảy, nôn mửa và sốt... Ngoài ra, nước mắm thật không được có phẩm màu và chất ngọt tổng hợp, không được dùng chất sát khuẩn. Những loại nước mắm nhạt diệt khuẩn thực chất là được cho chất diệt khuẩn vào. Thành phần là mì chính, chất siêu ngọt (ngọt gấp 50 lần mì chính) để đánh lừa cảm giác. Nước mắm rởm không gây ra những tác dụng xấu ngay tức thì, nhưng về lâu dài có thể gây xuất huyết dạ dày, nặng hơn là dẫn tới ung dạ dày, gan và thận, gây chóng mặt, đau đầu, suy giảm trí nhớ...
Các sản phẩm nước mắm công nghiệp được bày bán tràn lan tại các siêu thị |
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, trường Đại học Bách khoa Hà Nội nhấn mạnh các nhà thông tin, các nhà quản lý cần thông tin cho người tiêu dùng biết người nào, cơ sở nào làm nước mắm đó, làm nước mắm từ cái gì và những trường hợp đó đã được xử lý như thế nào.
Có những cơ sở sản xuất không pha 100% mà chỉ cho ít nước mắm vào, 10 phần chỉ có 1 phần nước mắm, còn lại 9 phần là hóa chất và được bán với giá rất rẻ. Người tiêu dùng phải cân nhắc vì tiền nào của nấy, không có loại nước mắm Phú Quốc nào mà 5 nghìn/lít cả, không nên tham rẻ, TS Thịnh lưu ý.
Các chuyên gia khuyến cáo, với thị trường nước mắm giả tràn lan như hiện nay, người tiêu dùng nên lưu ý để phân biệt nước mắm giả và thật trước khi chọn mua nước mắm. Về hình thức, hàng thật có ngày sản xuất và hạn sử dụng được dập nổi ở phần trên của thân chai, trong khi với hàng giả, những thông tin này chỉ được in trên giấy giới thiệu sản phẩm được dán trên thân chai. Về màu sắc, nước mắm trong chai màu vàng và trong là loại tốt, nếu thấy có cặn xuất hiện thì tuyệt đối không nên mua. Về độ đạm, loại nước mắm cao đạm tự nhiên thường có màu cánh gián nâu đỏ, độ đặc sánh và vị đậm đà.
Người sử dụng có thể lấy một ít nước mắm bôi ra tay, sau đó rửa lại với nước. Nếu là nước mắm được pha từ hóa chất, rửa qua nước lã vài lần tay sẽ sạch mùi. Còn nếu là nước mắm chiết xuất từ cá, ngay cả khi rửa bằng xà phòng nhiều lần, mùi nước mắm vẫn không hết ngay bởi axit amin trong nước mắm (được chiết xuất từ cá, có mùi rất nặng) bám chặt vào da tay. Cuối cùng, người tiêu dùng cần quan tâm đến tên, địa chỉ, nơi sản xuất của doanh nghiệp. Không nên mua những loại nước mắm trôi nổi, không xuất xứ, tuy giá rẻ hơn, thậm chí chưa bằng một nửa giá của hãng uy tín nhưng lại tiềm tàng nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe./.Lo ngại khi nước mắm chứa hóa chất