Nhiều kỷ lục được thiết lập
Theo ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2021 đã phục hồi và có sự bứt phá mạnh mẽ, kéo dài xu hướng tăng trưởng trong dài hạn, mặc dù có những nhịp điều chỉnh do tác động của đại dịch, khi xuất hiện biến chủng virus Covid-19 mới Delta và Omicron.
Theo đó, chỉ số VN-Index nhiều lần thiết lập đỉnh lịch sử mới, đỉnh cao nhất là vào ngày 25/11 khi VN-Index chạm mốc 1.500,81 điểm. Đây cũng là đỉnh cao trong lịch sử TTCK đến thời điểm này. Trước đó, ngay trong ngày đầu tiên của quý 2/2021, VN-Index đã chính thức vượt mốc 1.200 điểm - mốc kỷ lục được thiết lập từ 2018. Tính đến ngày 28/12/2021, VN-Index đạt 1.494,39 điểm, tăng 35,4% so với cuối năm 2020, nằm trong top thị trường đem đến tỷ suất sinh lời cao nhất trên thế giới.
Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ về chỉ số, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu cũng tăng mạnh. Tính đến ngày 28/12, mức vốn hóa thị trường đạt 7.729.000 tỷ đồng, tăng 46% so với cuối năm 2020, tương đương 122,8% GDP.
Quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch (ĐKGD) của thị trường tính đến cuối tháng 11 đạt 1.727.000 tỷ đồng, tăng 14,1% với cuối năm 2020 với 761 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở Giao dịch chứng khoán và 890 cổ phiếu ĐKGD trên UPCoM.
Thanh khoản trên thị trường cổ phiếu năm 2021 vẫn tiếp tục bùng nổ và tăng mạnh nhờ dòng tiền của các nhà đầu tư trong nước dẫn dắt thị trường. Thanh khoản thị trường cổ phiếu đã gia tăng nhanh chóng và liên tục qua các tháng và đến tháng 11 đạt mức 40.117 tỷ đồng/phiên.
Tính chung từ đầu năm 2021, giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 25.960 tỷ đồng/phiên. Thanh khoản tăng 250% so với năm 2020, ghi nhận phiên giao dịch kỷ lục 2,3 tỷ USD, xếp thứ 2 trong Đông Nam Á.
Năm 2021, số lượng nhà đầu tư (NĐT) tham gia TTCK tăng mạnh đã góp phần đẩy thanh khoản thị trường lên hàng tỷ USD/phiên. Chỉ riêng trong 11 tháng của năm 2021, tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam lên con số 4,08 triệu tài khoản, tăng 47,3% so với cuối năm 2020.
Nhận định về sự bùng nổ của thanh khoản trên thị trường, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, TTCK Việt Nam đã phát triển lên một tầm cao mới, điều đó giúp thu hút được dòng tiền từ các tầng lớp khác nhau trong xã hội trong bối cảnh sản xuất kinh doanh bị đình trệ do Covid-19. Làn sóng nhà đầu tư cá nhân mới tham gia thị trường là một trong những nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ của thanh khoản thời gian qua.
Theo thống kê từ các công ty chứng khoán, năm 2021, người dân đã chuyển thêm hàng chục nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 3 tỷ USD) vào đầu tư chứng khoán. Đây là con số rất lớn, cho thấy sự quan tâm của các nhà đầu trong nước đối với thị trường cổ phiếu.
TS. Quách Mạnh Hào, giảng viên đại học Lincoln, Vương quốc Anh cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có một giai đoạn tăng trưởng dài và tương đối bền vững. Tính bền vững thể hiện ở chỗ dòng tiền vào thị trường khá mạnh, khá lớn và tạo ra một sức hút khi nhà đầu tư đang xem chứng khoán như một kênh đầu tư thay cho kênh tiền gửi tiết kiệm truyền thống.
“Nhà đầu tư đang có nhiều công cụ tham gia thị trường hơn so với giai đoạn trước. Bên cạnh cổ phiếu, thị trường đang có nhiều sản phẩm đầu tư đa dạng khác như chứng quyền, chứng khoán phái sinh để có thể đầu tư dài hạn”, TS. Quách Mạnh Hào cho hay.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đánh giá, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, nhưng với các giải pháp của Chính phủ và các bộ, ngành, các cân đối vĩ mô vẫn ổn định. Sau khi Chính phủ quyết định chuyển sang “trạng thái bình thường mới”, sản xuất kinh doanh có sự phục hồi nhanh, kinh tế, xã hội dần trở lại và với vai trò là “hàn thử biểu” của nền kinh tế, thị trường chứng khoán tiếp tục ghi nhận sự phấn khích.
Vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro
Mặc dù chứng khoán Việt Nam lập nhiều kỷ lục trong năm 2021, song TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia vẫn thẳng thắn chỉ ra rằng, TTCK Việt Nam đang tồn tại một số điểm không bình thường.
Theo TS. Lực, TTCK đang tăng nóng so với toàn cầu. Năm 2020, GDP toàn cầu tăng trưởng âm 3,1% nhưng nhờ dòng vốn rẻ cùng một số nguyên nhân khác, chỉ số chứng khoán thế giới vẫn tăng khoảng 14%. Năm 2021, tăng trưởng kinh tế phục hồi, chỉ số chứng khoán thế giới tăng khoảng 20%.
Trong khi đó, tại Việt Nam, chỉ số VN-Index tăng khoảng 15% trong năm 2020 nhưng năm 2021 tăng tới 35%, dù GDP năm nay ước tính chỉ tăng 2-2,5%. So sánh với Philipines, tăng trưởng kinh tế nước này ở mức khoảng 5% trong năm 2021 và kỳ vọng năm 2022 sẽ đạt mức tăng trưởng tương đương Việt Nam, nhưng chỉ số chứng khoán chỉ tăng vỏn vẹn 2%.
“Chứng khoán có phần hơi nóng và hơi lệch pha với kinh tế thực, thậm chí cả năm nay GDP Việt Nam tăng 2,58% nhưng chứng khoán tăng 35%. Bên cạnh đó, trên TTCK có hiện tượng tâm lý đám đông, một số doanh nghiệp làm ăn không tốt nhưng giá cổ phiếu vẫn tăng rất nhanh, phát hành cổ phiếu, trái phiếu rất thành công”, TS. Lực lo ngại.
Ngoài ra, theo TS. Cấn Văn Lực, TTCK Việt Nam đang tiềm ẩn sự thiếu bền vững khi chỉ số VN-Index tăng trưởng chủ yếu nhờ 6 nhóm ngành: ngân hàng, bất động sản, thực phẩm và đồ uống, tài nguyên cơ bản, vật liệu xây dựng và dịch vụ tài chính. Riêng 6 nhóm ngành này đã chiếm khoảng 77% vốn hóa toàn thị trường.
"Nếu như 1 trong 6 lĩnh vực này có vấn đề thì thị trường cũng sẽ khó khăn", ông Lực cảnh báo.
Lãnh đạo UBCKNN nhận định, năm 2022, TTCK sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các yếu tố nền tảng vĩ mô và các yếu tố nội tại của thị trường. Tuy nhiên, đây cũng là năm còn nhiều thách thức, khó khăn, trong đó điển hình như: dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, áp lực lạm phát tăng,…
Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn khẳng định: “Năm 2022, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tài chính, cơ quan quản lý và các đơn vị liên quan sẽ tiếp tục có các giải pháp để thị trường phát triển, nhưng sẽ chuyển mạnh hơn theo chiều sâu, tăng tính ổn định, bền vững. Đồng thời, sẽ tăng cường công tác giám sát, quản lý để đảm bảo kỷ cương, kỷ luật của TTCK”.
Bên cạnh đó, UBCKNN sẽ tiếp tục tái cấu trúc TTCK, tăng cường quản lý các tổ chức kinh doanh chứng khoán, tập trung giám sát, kiểm tra việc cho vay giao dịch ký quỹ là đúng pháp luật, an toàn cho công ty chứng khoán và an toàn bền vững cho dòng tiền trên TTCK./.