Nhìn nhận một cách khách quan về thị trường bán lẻ Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, điểm mạnh của thị trường này là quy mô dân số lớn, thu nhập gia tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng lớn. 

Còn theo nghiên cứu mới nhất của Savills Việt Nam, hiện nay, riêng với thị trường Hà Nội, tổng nguồn cung diện tích mặt bằng bán lẻ đã lên tới trên 1,5 triệu m2 sàn, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. 2 năm trở lại đây, số lượng trung tâm thương mại liên tục gia tăng, hàng loạt mô hình cửa hàng tiện lợi, siêu tiện lợi xuất hiện, tỷ lệ lên tới 15%/năm, cao hơn chợ truyền thống 3%/năm. 

Với tiềm năng dồi dào, thị trường bán lẻ Việt Nam đã và đang thu hút mạnh mẽ nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, có thể kể đến các hệ thống siêu thị như Hapro, Saigon Co.op Mart, Big C, Metro, Aeon Mall, Lotte. Tuy nhiên, sự cạnh tranh của thị trường bán lẻ mới chỉ bắt đầu. 

vov_banle_vqmm.jpg
Đang có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà bán lẻ trong nước và nước ngoài.

Song song với quá trình phát triển, thời gian qua, thị trường bán lẻ Việt cũng đã chứng kiến sự đào thải khốc liệt, không ít doanh nghiệp cả nội và ngoại đã buộc phải rời bỏ thị trường. 

Trong đó phải kể đến sự ra đi của các “ông lớn” là Tập đoàn Bourbon (Pháp) với hệ thống siêu thị Big C nhượng lại cho Central Group (Thái Lan); Metro Cash & Carry (Đức) bán lại hệ thống siêu thị bán buôn Metro cho Tập đoàn BJC (Thái Lan).

Đầu tháng 4 vừa qua, chuỗi cửa hàng tiện lợi Shop&Go đã quyết định rút lui và nhượng lại cho Vingroup với giá chỉ 1 USD.

Mới đây nhất, Auchan (Pháp) cũng tuyên bố rút lui khỏi thị trường Việt Nam do làm ăn thua lỗ... 

Những minh chứng này đã thể hiện sự khốc liệt của thị trường bán lẻ Việt Nam. Sự cạnh tranh được dự báo còn khốc liệt hơn bởi sau một thời gian dài tìm hiểu và hoạt động tại thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài  đã dần nắm bắt được thị hiếu và thói quen tiêu dùng của người Việt, từ đó đưa ra những chiến lược kinh doanh phù hợp, sẵn sàng cạnh tranh với các doanh nghiệp Việt.

Trong bối cảnh “cuộc đua” giữa các nhà bán lẻ trong nước và nước ngoài đang diễn ra gay gắt và mạnh mẽ, nguyên chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú quan ngại, nếu các nhà bán lẻ Việt Nam không có hướng đi đúng đắn và chiến lược kinh doanh bài bản thì không lâu nữa sẽ bị thua ngay trên sân nhà. 

Ông Phú đã thẳng thắn chỉ ra hàng loạt tồn tại của thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay, đó là còn thiếu sự liên kết giữa các siêu thị, tư duy về quản lý hiện đại, tư duy về liên kết, tư duy của nền kinh tế chia sẻ còn sơ khai. Đặc biệt, tính cấu kết, hợp tác của các doanh nghiệp Việt Nam còn rất yếu.

Cùng với đó, thị trường bán lẻ Việt chưa thực sự có lợi thế cạnh tranh như thị trường các nước đối với các mặt hàng cao cấp, bởi tỷ trọng người mua mặt hàng này nhỏ và họ sẵn sàng bỏ tiền mua sản phẩm cao cấp của nước ngoài thay vì mua sản phẩm  của Việt Nam…

Trước thực trạng đáng lo ngại đang hiện hữu trên thị trường bán lẻ hiện nay, ông Phú cho rằng, trong hội nhập thì năng lực cạnh tranh là yếu tố hàng đầu, do đó các doanh nghiệp phải chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước và tận dụng sự hỗ trợ của Nhà nước một cách hợp lý mà không vi phạm các cam kết của các Hiệp định thương mại tự do.

“Các doanh nghiệp sản xuất phải bỏ trứng vào nhiều giỏ như "ký gửi" Big C, Aeon Mall, Hapro, Co.op Mart, Vinmart… Cùng với đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để các tập đoàn phân phối bán lẻ Việt đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Đồng thời, mở rộng cửa đón hàng Việt vào để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, đảm bảo lợi ích cho nhà sản xuất Việt một cách công bằng, minh bạch và ổn định lâu dài. Nếu các doanh nghiệp trong nước không bứt phá thì sẽ bị doanh nghiệp nước ngoài lấn át, hàng hóa khó tiêu thụ. Vô hình trung sẽ gián tiếp đẩy hàng Việt ra khỏi hệ thống bán lẻ hiện đại và nhường chỗ  cho hàng hoá nước ngoài”, ông Vũ Vinh Phú cảnh báo./.