Xây dựng lòng tin với hàng hóa

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” triển khai gần 3 năm nay và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Chất lượng sản phẩm tốt, giá cả hợp lý và hệ thống tiêu thụ rộng khắp là điều kiện đầu tiên để hàng Việt thu hút người tiêu dùng Việt. Việc định hướng tiêu dùng hàng Việt Nam cho người Việt Nam được coi là một giải pháp quan trọng trong việc đưa văn hóa tiêu dùng hàng Việt ngày càng thấm sâu trong lòng người Việt.

hangviet22122011_9b22688888.jpg

Các nhà sản xuất trong nước đang tìm cách chiếm thị phần nội địa

Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, tư tưởng “sính hàng ngoại” của người Việt Nam là một trong những mặt trái căn bản của văn hoá tiêu dùng cần phải thay đổi, bởi nó ảnh hưởng tới sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thực tế hiện nay, nhiều loại hàng hoá Việt Nam có thể tự sản xuất, nhưng chúng ta vẫn nhập ngoại bởi một bộ phận người tiêu dùng vẫn có nhu cầu.

Như vậy, thị hiếu sính ngoại cộng với cơ chế mở cửa chưa phù hợp đã đẩy các doanh nghiệp Việt Nam vào thế đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Để chinh phục người tiêu dùng Việt Nam, các doanh nghiệp cần chủ động thay đổi chiến lược sản xuất kinh doanh của mình bằng cách đi tắt, đón đầu thị hiếu, nắm bắt thông tin về người tiêu dùng để đổi mới công nghệ, có chiến lược phát triển thị trường nội địa phù hợp.

Ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng: “Muốn xây dựng được văn hóa tiêu dùng phải xây dựng được lòng tin đối với hàng hóa. Doanh nghiệp phải có hàng chất lượng tốt, giá thành hợp lý, mẫu mã phù hợp với mọi đối tượng người tiêu dùng thì mới tạo điều kiện cho người ta tin dùng mình và người ta ưu tiên dùng hàng của mình. Muốn được như thế thì trách nhiệm của doanh nghiệp là phải làm thế nào đổi mới công nghệ, đưa dịch vụ, kỹ thuật mới vào để làm cho hàng hóa của mình luôn luôn có chất lượng cao, sức cạnh tranh cao, giảm giá thành để cho hàng hóa có giá thành hợp lý...”

Ý thức được điều này, từ nhiều năm nay, các doanh nghiệp trong nước như: Công ty Kỹ nghệ súc sản  Vissan, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Intimex, Tổng Công ty thương mại Sài Gòn- Satra, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã chú trọng nắm bắt thị hiếu tiêu dùng, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm và đã dần chiếm lĩnh thị trường nội địa,  được khách hàng quan tâm, đón nhận. 

Bà Bùi Phương Mai, Giám đốc Nghiên cứu và phát triển Công ty Cổ phần kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam Vifon cho biết, mặc dù đã xuất khẩu và có thị phần tại 48 nước trên thế giới, nhưng ưu tiên hàng đầu của công ty vẫn là thị trường nội địa. Các sản phẩm mì, gạo, bún, phở, miến, bột canh, tương ớt, nước tương do công ty sản xuất được nhiều người tiêu dùng trong nước tin dùng.

Là doanh nghiệp chiếm thị phần khá lớn trong thị trường nội địa, bà Bùi Phương Mai chia sẻ: “Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh tham gia các chương trình kết hợp cùng với các chương trình của Nhà nước, của các tổ chức để đưa hàng Việt về Nông thôn. Để góp phần đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng Việt Nam thì văn hóa tiêu dùng công ty rất coi trọng, phổ biến đến toàn bộ nhân viên trong công ty là 2300 người sử dụng hàng của công ty...”

Hàng Việt phải chinh phục được người Việt

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” có ý nghĩa rất quan trọng. Trước hết là bảo vệ nền kinh tế đất nước, sau đó là đào tạo các thế hệ người Việt Nam kế thừa truyền thống, vừa có bản lĩnh để tồn tại trong điều kiện hội nhập. Yếu tố cần thiết để hình thành nên văn hóa tiêu dùng hàng Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là hàng Việt phải chinh phục được người Việt.

Để làm được điều đó, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa nội địa phải thực hiện các giải pháp đồng bộ gắn sản xuất với thị trường trong nước. Người tiêu dùng Việt Nam cần nâng cao ý thức dân tộc trong việc tiêu dùng hàng Việt Nam. Bởi thực tế hiện nay đã có nhiều loại hàng Việt Nam sản xuất tốt hơn, phù hợp với thị hiếu người Việt, an toàn với môi trường  và giá cả hợp lý hơn hàng ngoại, hàng hiệu rất nhiều.

Nhà Sử học Dương Trung Quốc cho rằng: “Giờ đây chúng ta phải vận động Hàng Việt Nam phải chinh phục được người Việt Nam. Như vậy vừa khai thác được một thị trường rất lớn, vừa thể hiện được trách nhiệm của người sản xuất đối với người tiêu dùng và đồng bào của mình. Đó chính là nền tảng nâng đỡ cho sự phát triển bền vững và có chất lượng để hàng Việt Nam đứng vững đi ra nước ngoài, tương xứng với giá trị của nó. Chứ không phải như chúng ta chỉ xuất hàng Việt Nam nhưng đều là bán sản phẩm và nhiên liệu cả như tình trạng hiện nay”.

Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam vừa thể hiện tinh thần yêu nước, tình yêu thương cộng đồng vừa thể hiện ý chí quyết tâm xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh. Thông qua việc tiêu dùng hàng Việt góp phần tích lũy vốn cho sự nghiệp công nghiệp hóa và khai thác thế mạnh của tài nguyên thiên nhiên, trình độ, kỹ năng của người Việt Nam, khẳng định chất lượng hàng hóa nội địa, xây dựng thương hiệu hàng Việt để cạnh tranh với thương trường quốc tế./.