Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam – Lào nhằm thúc đẩy triển khai thực hiện các án đầu tư quy mô lớn của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào và xúc tiến một số dự án hợp tác đầu tư mới, mang tính chiến lược trong thời gian tới. Điều này có ý nghĩa quan trọng, bởi hợp tác kinh tế là trụ cột chính, ưu tiên trong hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.
Phát biểu khai mạc hội đàm, Bộ trưởng Khamchen Vongphosy đánh giá, hội đàm lần này là một hoạt động quan trọng, kỷ niệm Năm Đoàn kết, Hữu nghị Lào-Việt Nam, Việt Nam-Lào 2022; là diễn đàn cho doanh nghiệp hai nước cùng nhau tìm hiểu và tìm kiếm các cơ hội kinh doanh, đầu tư. Doanh nghiệp hai nước sẽ có dịp trao đổi ý kiến một cách thẳng thắn và cởi mở. Bộ trưởng Khamchen cho biết, thời gian qua, Chính phủ Lào đã nỗ lực giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp hai bên đang phải đối mặt.
Trong hai năm qua chính phủ Lào đã quan tâm, điều chỉnh chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết vướng mắc, cắt giảm các quy trình cấp phép mang tính thủ tục không cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, bảo đảm tính minh bạch với phương châm thu hút các nhà đầu từ ngày càng hiệu quả hơn.
Phát biểu tại hội đàm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị doanh nghiệp hai nước tập trung trao đổi về những kết quả đã đạt được; thẳng thắn nêu ra các vướng mắc đang gặp phải và kiến nghị giải pháp về chính sách và thực thi nhằm tháo gỡ khó khăn để hoạt động đầu tư kinh doanh thực sự đem lại hiệu quả thiết thực. Ngoài ra, các cơ quan chức năng hai nước cần lắng nghe, thấu hiểu và tìm giải pháp phù hợp và nghiên cứu hoàn thiện cơ chế để thúc đẩy gia tăng các hợp tác đầu tư bền vững và đem lại hiệu quả hợp tác giữa hai nước.
“Hợp tác kinh tế là trụ cột chính, là một trong những ưu tiên hàng đầu trong hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam. Điều này cũng đặt ra yêu cầu cho chúng ta là phải đặt mục tiêu cao hơn và đổi mới cách làm để hợp tác kinh tế, đầu tư giữa hai nước ngày càng thực chất và hiệu quả hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Phát biểu tại cuộc gặp, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng nhấn mạnh, quan hệ hợp tác Việt Nam, Lào là quan hệ đặc biệt thực sự. Thời gian qua, trong bối cảnh thế giới chịu tác động của dịch Covid-19, giao lưu quốc tế bị đình trệ, nhưng hợp tác hai nước Việt Nam, Lào vẫn sôi động từ cấp địa phương đến trung ương. Cuộc toạ đàm hôm nay là một trong những minh chứng cho sự quyết tâm thúc đẩy hợp tác 2 nước. Đại sứ cho rằng, doanh nghiệp hai nước đã góp phần không nhỏ vào công cuộc vun đắp mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện hai nước.
Phát biểu tại hội đàm, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC khẳng định, FLC mong muốn được đầu tư đồng bộ tại Lào, thời gian qua, FLC phối hợp với Tập đoàn Petro Trade của Lào đã bàn bạc, trao đổi về kế hoạch hợp tác triển khai tuyến đường sắt Việt Nam-Lào, đoạn từ cửa khẩu Cha-lo đến Vũng Áng. Mục tiêu của FLC là khởi công dự án vào quý IV năm 2022. Việc đưa vào khai thác vận hành tuyến đường sắt từ Vientiane đến Vũng Áng trong tương lai sẽ phát huy hiệu quả vị trí trung tâm của Lào trong ASEAN, cũng như trong việc giao thương hàng hóa, phát triển du lịch giữa Lào, Việt Nam và các nước.
Đầu tư của Việt Nam vào Lào đang có xu hướng phục hồi trở lại sau dịch bệnh Covid-19. Năm 2021, vốn đầu tư của Việt Nam sang Lào đạt 118,3 triệu USD, tăng 33,3% so năm 2020. Một số dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào có hiệu quả, tiếp tục tăng vốn đầu tư mở rộng cho năm 2022. Trong năm 2021 một số dự án lớn, quan trọng đã được cơ quan hai nước tập trung tháo gỡ khó khăn để có thể đẩy mạnh nhanh tiến độ hợp tác thời gian tới như dự án Cảng Vũng Áng, thủy điện Luang Prabang, Xekaman 3, muối mỏ Kali, sân bay Nong Khang…
Để hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần ưu tiên tập trung vào 5 nhóm giải pháp là: Bảo đảm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tạo hành lang pháp lý ổn định, minh bạch; xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi; hai bên cần có cơ chế đặc thù cho một số dự án trọng điểm có tính chiến lược làm đòn bẩy trong quan hệ hợp tác hai nước; đề nghị phía Lào tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của một số dự án lớn; hai nước cùng chủ động hợp tác quốc tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài cho phát triển; hợp tác có hiệu quả trong khuôn khổ ASEAN, Hiệp định RCEP, WTO; các doanh nghiệp Việt Nam tập trung nguồn lực thực hiện các dự án đầu tư đúng tiến độ, nêu cao trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng, bảo vệ môi trường, an sinh xã hội.
Nhân dịp này, đã diễn ra lễ ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) về hợp tác phát triển dự án đường sắt Lào-Việt Nam giữa Tập đoàn FLC và Tập đoàn Petro Trade; Thỏa thuận về hợp tác đầu tư phát triển dự án năng lượng dọc biên giới Việt-Lào để sản xuất điện và truyền tải, bán điện về Việt Nam giữa Tập đoàn T&T và Tập đoàn Phongsubthavy./.