Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 các địa phương, doanh nghiệp, gặp rất nhiều khó khăn, thách thức như: Các hoạt động tìm hiểu cơ hội đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại Việt Nam tiếp tục bị trì hoãn, ảnh hưởng đến cơ hội thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp.
Các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực do chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, đứt gãy, gây thiếu nguồn cung đầu vào và thị trường đầu ra; bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng. Vì vậy, nếu đợt dịch kéo dài có thể bị mất thị trường do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng.
Bên cạnh đó việc hướng dẫn phòng, chống dịch chưa hợp lý, hiệu quả hoặc áp dụng cứng nhắc tại một số địa phương đã khiến chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn nghiêm trọng. Để cầm cự trước dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động. Điều này gây khó khăn rất lớn cho việc tìm kiếm nguồn lao động trở lại của các doanh nghiệp khi phục hồi sản xuất sau dịch bệnh, đặc biệt là đối với các ngành nghề yêu cầu lao động tay nghề như điện tử, cơ khi, dệt may… Các doanh nghiệp FDI còn gặp khó khăn với vấn đề nhập cảnh và việc gia hạn hoặc cấp giấy phép lao động cho chuyên gia người nước ngoài.
Về các giải pháp trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh việc thực hiện việc phòng, chống dịch Covid-19 linh động, hiệu quả, tạo điều kiện để cho doanh nghiệp duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong thời gian tới chính sách cách ly cũng phải thực hiện linh hoạt hiệu quả theo hướng gọn, mềm và nhỏ.
Bên cạnh đó đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt hiệu quả, khắc phục chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị gián đoạn. Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp, cho cơ sở sản xuất kinh doanh. Tháo gỡ khó khăn về lao động, nhất là chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề nghị các doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án phục hồi sản xuất, bảo đảm an toàn cho người lao động trong phòng chống dịch từ khâu sản xuất đến lưu thông; phối hợp với các địa phương để thống nhất kế hoạch tiêm phòng cho công nhân, thực hiện xét nghiệm định kỳ theo quy định, bảo đảm không có F0 trong sản xuất, chịu trách nhiệm trước địa phương, không để xẩy ra ổ dịch trong sản xuất.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cần có kế hoạch cụ thể phân bổ vaccine về các địa phương có các khu, cụm công nghiệp, hướng dẫn các giải pháp phòng chống dịch, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người lao động./.