Lên mạng tìm chọn được chiếc áo ưng ý trên một website bán hàng, chị Minh (Ba Đình, Hà Nội) điện thoại yêu cầu nhân viên cửa hàng chuyển áo đến địa chỉ nhà riêng. Sau khi xem xét kỹ chiếc áo đúng với lựa chọn của mình, chị Minh mới quyết định thanh toán tiền cho nhân viên giao hàng để hoàn tất vụ mua hàng qua mạng.

Không may mắn như chị Minh, anh Tú nhà ở Hoàng Mai (Hà Nội) đến giờ vẫn chưa hết bực mình khi thực hiện giao dịch thông qua chuyển khoản để mua máy khoan mới, giá rẻ. Tuy nhiên, thứ anh Tú nhận được chỉ là chiếc máy khoan cũ, không đúng thông số như đã thỏa thuận. Mặc dù đã liên lạc lại nhiều lần với bên bán, nhưng anh Tú chỉ nhận được những lời hứa như hàng chưa về, thêm tiền mua máy khác…

Thói quen tiêu tiền mặt và tâm lý lo ngại rủi ro…

Trên đây chỉ là 2 trong số hàng triệu khách hàng thực hiện mua - bán hàng có liên quan đến thương mại điện tử. Báo cáo thương mại điện tử Việt Nam năm 2014 của Bộ Công Thương cho thấy, mua bán trực tuyến đã phát triển rất nhanh thời gian qua khi doanh thu giữa doanh nghiệp với khách hàng (B2C) đạt gần 3 tỷ USD. Tuy nhiên, phần doanh thu đến từ thanh toán trực tuyến lại khá hạn chế chỉ khoảng 5%.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, con đường đến với thương mại điện tử ở nước ta còn nhiều gập ghềnh, nhiều rào cản và bất cập. Trong đó, thanh toán điện tử là một vấn đề nổi cộm và có lẽ là vấn đề cần quan tâm nhất của kinh doanh thương mại điện tử.

Bà Loan cho rằng, thói quen sử dụng tiền mặt vẫn là cản trở lớn nhất đối với thương mại điện tử Việt Nam. 90% doanh số thanh toán thẻ hiện nay là giao dịch tại các máy ATM, trong đó doanh số rút tiền mặt chiếm hơn 85%, doanh số chuyển khoản chiếm gần 14%, doanh số thanh toán tại đơn vị chấp nhận thẻ hơn 1,07%. Do đó, mong muốn về một xã hội không tiền mặt, một nền kinh tế phi tiền mặt vẫn còn là ước mơ xa vời.

 

thanhtoandientu_qzkg.jpg
Tâm lý lo ngại rủi ro là trở ngại lớn khi người dùng sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử. (Ảnh minh họa: Internet)
Cũng theo bà Loan, nhiều người vẫn thiếu lòng tin, tâm lý lo ngại rủi ro khi sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử. Hoạt động thương mại điện tử nói chung và thanh toán trực tuyến nói riêng tại Việt Nam hiện nay còn gặp khá nhiều trở ngại do sự thiếu tin tưởng của người tiêu dùng. Đây là tâm lý khá phổ biến khi khách hàng còn có cảm giác sợ bị lừa, hoặc cảm thấy rủi ro khi mua hàng và đặc biệt khi thanh toán trực tuyến...

Mặt khác, hiện nay vẫn chưa có các chính sách, cơ chế cụ thể, mạnh mẽ nhằm khuyến khích, ưu đãi hỗ trợ thanh toán điện tử phổ cập và phát triển, nhất là khuyến khích, ưu đãi cho các doanh nghiệp, các hộ và cá nhân kinh doanh bán lẻ trong triển khai thanh toán điện tử, thuyết phục khách hàng/người tiêu dùng.

Đảm bảo quyền lợi, tạo lòng tin của người tiêu dùng

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong thanh toán điện tử, cần nâng cao nhận thức của người dân/người tiêu dùng và các nhà bán lẻ về lợi ích, về hiệu quả của thanh toán điện tử. Qua đó khôi phục lòng tin của khách hàng/người tiêu dùng vào thương mại điện tử và thanh toán điện tử.

Về phía Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, cần có những chính sách mạnh mẽ hơn nữa khuyến khích doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh và người tiêu dùng làm quen cũng như tiến tới hạn chế tới mức tối đa sử dụng tiền mặt. Các ưu đãi hoạt động thanh toán điện tử như hoàn thuế, khấu trừ thuế cho các giao dịch thanh toán điện tử để thúc đẩy thanh toán qua thẻ cần được khuyến khích

“Cần giảm tối đa phí cho nhà bán lẻ để tạo thuận lợi cho việc thu hút khách hàng thanh toán điện tử, tránh tâm lý e ngại phải trả thêm phí trên doanh số thanh toán cho ngân hàng. Thanh toán điện tử không chỉ tập trung vào hệ thống bán lẻ hiện đại mà cần được quan tâm đẩy mạnh ở hệ thống bán lẻ truyền thống và thị trường bán lẻ nông thôn. Các ngân hàng và các nhà bán lẻ cần hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau để có các giải pháp thanh toán điện tử hỗ trợ cho các nhà bán lẻ ở các phân khúc khác nhau”, bà Loan nêu giải pháp.

Đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, Thứ trưởng Bộ Công Thương – ông Trần Tuấn Anh thừa nhận, quyền lợi của người tiêu dùng là thành tố rất quan trọng để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của thương mại điện tử. Thời gian qua, hành lang pháp lý trong thương mại và thanh toán điện tử đã có nhưng vẫn chưa đầy đủ. Việc xây dựng chính sách cho vấn đề này cũng chưa đề cập đến những hành vi vi phạm, gian lận hoặc hoạt động phi pháp lợi dụng thương mại điện tử để trục lợi.

“Bộ Công Thương cần có khoảng thời gian để tiếp tục nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để xây dựng một nghị định khác trình Chính phủ, tạo lập chế tài kiểm soát hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt hướng tới đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng cũng như của doanh nghiệp, phù hợp với quy định chung của thương mại điện tử và thanh toán điện tử”, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Nâng cao tỷ lệ thanh toán trực tuyến trong thương mại điện tử là một chủ trương đúng đắn và phù hợp trong giai đoạn phát triển hiện nay. Không gì hơn là cần có sự kết nối, tích hợp tốt hơn giữa các website thương mại điện tử với các dịch vụ thanh toán trực tuyến của các ngân hàng. Để khi người tiêu dùng có thể trả tiền trực tuyến dễ dàng, thuận lợi và an toàn thì thanh toán điện tử tự khắc sẽ phát triển sâu rộng./.