Đang sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Thị Tố Nga (28 tuổi), quê ở xã Tiên Cẩm, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam quyết định trở về quê với ý tưởng khởi nghiệp từ những sản phẩm nông nghiệp sạch. Từ chính mong muốn tìm nguồn thực phẩm sạch cho gia đình, Tố Nga đã chọn lạc và vừng đen cho ý tưởng khởi nghiệp của mình.
Nga tâm sự, vốn là cây trồng chủ lực của người dân địa phương nhưng đầu ra của lạc và vừng đen lại bấp bênh. Nga đến từng hộ nông dân để làm hợp đồng và thu mua với số lượng lớn và cam kết với người dân không sử dụng phân bón hoá học, thuốc trừ sâu trong quá trình canh tác. Trung bình mỗi năm, cơ sở sản xuất của Nguyễn Thị Tố Nga thu mua cho người dân địa phương hơn 120 tấn.
Ban đầu, Tố Nga đầu tư hơn 3 tỷ đồng để xây dựng cơ sở với thương hiệu là “Sống sạch”. Nhờ nắm vững quy trình sản xuất và chủ động được nguồn nguyên liệu ở địa phương, cơ sở sản xuất “Sống sạch” nhanh chóng phát triển và có chỗ đứng trên thị trường khắp cả nước. Hiện tại, cơ sở sản xuất của Tố Nga tập trung sản xuất các sản phẩm chính gồm dầu lạc, dầu vừng và gần đây là mật ong rừng, cung cấp cho người tiêu dùng và các hệ thống siêu thị cả nước. Sản phẩm “Sống Sạch” đã được công nhận là sản phẩm OCOP của xã Tiên Cẩm và Viện Kiểm nghiệm quốc gia chứng nhận là sản phẩm đạt chất lượng theo tiêu chuẩn Việt Nam, truy xuất được nguồn gốc. Nguyễn Thị Tố Nga cho biết, chị luôn mong xây dựng được chuỗi sản phẩm cao cấp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe người tiêu dùng.
"Theo như tôi tìm hiểu và nghiên cứu, những nước Nhật Bản và Hàn Quốc và các nước Châu Âu, họ rất chuộng dầu lạc là dầu vừng, tôi vẫn muốn đầu tư tiếp vào những thị trường này. Chúng tôi sẽ đầu tư về mẫu mã và sẽ cho ra đời những dòng sản phẩm mới liên quan đến lạc và vừng như bánh kẹo hay những sản phẩm làm đẹp”, Nguyễn Thị Tố Nga nói.
Arất Bay (32 tuổi), chàng trai người Cơ Tu, ở thị trấn Prao, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cũng là một trong những gương mặt trẻ đi đầu trong phong trào khởi nghiệp của địa phương. Arất Bay chọn hướng khởi nghiệp bằng việc kết hợp giữa chăn nuôi và trồng rừng. Từng trải qua nhiều công việc, bôn ba đủ nghề nhưng cuối cùng Arất Bay chọn lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương. Với số vốn ban đầu chỉ 50 triệu đồng, Arất Bay mạnh dạn mua 20 con lợn rừng F1 về nuôi theo mô hình khép kín và cách biệt trên đồi rừng. Lứa lợn đầu tiên cho thu nhập 40 triệu đồng, đó là động lực thôi thúc giúp anh càng chăm chỉ, cố gắng phấn đấu hơn nữa. Từ số tiền này, anh Arất Bay mua thêm hàng trăm con gà, vịt và trồng thêm nhiều loại cây ăn quả để tăng thêm thu nhập. Sau 7 năm, hiện mô hình khởi nghiệp này đang cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
"Ban đầu, hai vợ chồng nhờ được nguồn vốn từ ngân hàng chính sách huyện Đông Giang để có tiền mở trang trại nuôi gà, nuôi heo địa phương kết hợp trồng rừng, trồng chuối, sắn, keo, quế. Từ đó, tôi dần dần có được thu nhập phát triển kinh tế gia đình xây được nhà và mua được xe máy”, Arất Bay chia sẻ.
Tỉnh Quảng Nam có gần 30 doanh nghiệp, 48 hợp tác xã, 96 tổ hợp tác và 322 mô hình kinh tế do thanh niên khởi nghiệp làm chủ. Các dự án này đa dạng ở tất cả các ngành, nghề. Tỉnh Quảng Nam cũng xây dựng Quỹ khởi nghiệp đầu tư với số vốn 50 tỷ đồng và thành lập Câu lạc bộ Thanh niên đầu tư khởi nghiệp, giúp đỡ cho những ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên. Anh Hoàng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Nam cho biết, những năm qua, Quảng Nam đã đẩy mạnh cuộc thi "Ý tưởng thanh niên Quảng Nam khởi nghiệp" nhằm khuyến khích và phát triển các ý tưởng khởi nghiệp, giúp thanh niên có khát vọng khởi nghiệp tiếp cận nguồn vốn.
"Trên cơ sở các dự án khởi nghiệp được tỉnh công nhận, Ban thường vụ tỉnh Đoàn cùng với Ban điều hành hỗ trợ khởi nghiệp của tỉnh sẽ kêu gọi các doanh nghiệp để hỗ trợ trực tiếp, đầu tư thực tế các dự án khởi nghiệp. UBND tỉnh Quảng Nam cũng ra chủ trương hỗ trợ khởi nghiệp với các huyện mà có tổ khởi nghiệp, thì cho thành lập quỹ riêng từ nguồn xã hội hoá để đầu tư hỗ trợ thanh niên trong công tác khởi nghiệp”, anh Hoàng Văn Thanh cho biết thêm./.