Với vai trò là Chủ tịch Hội Nông dân xã Định Biên, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, anh Lý Văn Thư (dân tộc Tày, sinh năm 1981) rất năng nổ, nhiệt tình với công tác hội và phong trào nông dân. Anh không chỉ là một gương sáng trong việc phát triển kinh tế mà còn giúp đỡ rất nhiều bà con làm kinh tế giỏi.
Từ những năm 2015 – 2016, anh Thư đã được biết đến là một thanh niên có nhiều thành công trong phát triển kinh tế khi có trong tay cả một trang trại nuôi hàng trăm con lợn nái, 1 mẫu cá… có thu nhập ổn định hàng tháng.
Không dừng ở đó, năm 2019, qua tham khảo các nguồn tài liệu trên mạng Internet và tham quan các mô hình nuôi ốc nhồi ở các tỉnh lân cận, thấy việc nuôi ốc nhồi phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, ông đã bàn với gia đình nuôi thử nghiệm.
Anh Thư vừa nuôi, vừa học hỏi kỹ thuật nên đàn ốc phát triển nhanh, trừ chi phí trung bình mỗi năm cho lãi từ 150 - 200 triệu đồng. Từ thành công bước đầu, ông đã chia sẻ với các hộ nông dân trong xã với mong muốn nhân rộng mô hình để cùng nhau làm giàu. Hiện gia đình ông đang nuôi trên 1 vạn ốc bố mẹ và thương phẩm trên diện tích 3 sào ruộng lúa.
Theo anh Thư chia sẻ, ruộng nuôi ốc không cần quá rộng, cần giữ được mực nước từ 40-50cm không bị ngập, úng là có thể nuôi được. Ốc nhồi có sức đề kháng tốt, dễ chăm sóc, chỉ cần nguồn nước tự nhiên sạch là có thể nuôi tốt. Thức ăn cho ốc chủ yếu là chất xanh, phụ phẩm nông nghiệp như hoa quả hư hỏng, bèo tấm, cây ráy, các loại rau, cỏ… thả nổi trên mặt nước, dễ tìm nên chi phí đầu tư thấp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Hiện giá ốc nhồi thương phẩm là 70.000 - 80.000 đồng/kg. Giá ốc giống từ 300 - 500 đồng/con. Giá trứng ốc nhồi giống dao động từ 500.000 - 800.000 đồng/kg. Đối với nuôi ốc nhồi thương phẩm, nếu tiến hành nuôi 2 vụ/năm, thì một sào nuôi thu lãi khoảng 70 - 80 triệu đồng/năm. Đối với nuôi ốc nhồi giống thì lợi nhuận đạt khoảng 80 - 100 triệu đồng/sào/năm” – anh Thư cho biết.
Mặc dù ốc nhồi dễ nuôi, song để ốc nhồi đạt năng suất cao, miệng đầy, mình béo, người nuôi cần chú ý đến chế độ ăn đầy đủ, bảo đảm dinh dưỡng. Sau mỗi vụ nuôi ốc nhồi cần cải tạo ao đầm, nguồn nước, môi trường phải luôn bảo đảm sạch sẽ.
"Khó khăn lớn nhất khi nuôi ốc nhồi là: Ốc chỉ sinh trưởng và phát triển khi thời tiết ấm áp, nên vào mùa đông giá lạnh ốc nhồi gần như không phát triển hoặc chết. Vì vậy, để chăm sóc và bảo vệ ốc nhồi trong mùa đông, người nuôi ốc nhồi, nhất là ốc giống cần chú ý thực hiện các biện pháp giữ ấm cho ốc bằng cách luôn duy trì mực nước sâu, phủ kín bèo tây trên ao nuôi. Nếu thời tiết rét đậm, rét hại có thể căng nylon, bạt hoặc thắp điện để sưởi ấm" - anh Thư chia sẻ thêm.
Đặc biệt, không chỉ phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình mình, anh Thư còn cung cấp giống và hỗ trợ kỹ thuật nuôi cho 25 hộ nông dân khác trên địa bàn xã. Hiện đã có một số hộ nông dân có diện tích đất ao canh tác kém hiệu quả đã liên kết với nhau nuôi ốc trên diện tích khoảng 10.000m2.
Để nâng cao hiệu quả nuôi ốc nhồi, anh Thư đã thành lập Tổ hợp tác nuôi ốc nhồi đặc sản xã Định Biên để các hộ nông dân tham gia và có điều kiện tiếp cận thêm với các nguồn vốn vay và kinh nghiệm chăn nuôi ốc nhồi.
Ngay sau khi ra mắt tổ hợp tác, Hội nông dân xã đã phối hợp với Hội ND tỉnh Thái Nguyên đầu tư cho vay 400 triệu đồng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân cho 10 hộ nuôi ốc nhồi vay vốn. Bình quân, mỗi hộ nuôi ốc nhồi được vay 40 triệu đồng. Được vay vốn ưu đãi để phát triển nuôi ốc nhồi, các hộ nông dân rất phấn khởi./.