Báo cáo về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2012 (PCI 2012) vừa được công bố sáng 14/3 cho thấy có sự cải thiện về các thủ tục đăng ký kinh doanh và các quy định dễ đo lường khác song vẫn còn hàng loạt vấn đề đang cản trở hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Đậu Anh Tuấn Phó trưởng ban Pháp chế VCCI, thành viên nghiên cứu PCI cho rằng, cải cách đã chậm lại ở nhiều lĩnh vực như tính minh bạch, chi phí không chính thức và đào tạo lao động.
Doanh nghiệp cho rằng, dù đã có nhiều nỗ lực nhằm tăng tính minh bạch và giảm tham nhũng nhưng doanh nghiệp vẫn cảm thấy việc tiếp cận tài liệu kế hoạch của địa phương còn nhiều khó khăn và không công bằng. Ngoài ra, chi phí không chính thức vẫn gây không ít trở ngại cho hoạt động của họ.
Báo cáo cũng cho thấy, các chỉ tiêu của chi phí không chính thức đã thay đổi theo thời gian. Các khoản “lót tay” trong đăng ký kinh doanh và hoàn tất thủ tục hành chính đã giảm cả về tần suất và giá trị. Năm 2006, 70% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết chi phí không chính thức là một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh của họ, chiếm 13% doanh thu của doanh nghiệp. Năm nay chỉ 53% doanh nghiệp nhận định loại chi phí này là phổ biến và chỉ chiếm 6,4% doanh thu.
41% doanh nghiệp trả hoa hồng để giành hợp đồng
Theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), dù doanh nghiệp ghi nhận tình trạng tham nhũng nhỏ, dưới dạng tiền lót tay cán bộ cơ quan hành chính địa phương, đã có cải thiện, song tham nhũng trong đấu thầu công lại tăng lên qua các năm.
Có đến 41% doanh nghiệp trả hoa hồng cho cán bộ nhà nước để đảm bảo giành được hợp đồng, tăng rất nhiều so với mức 23% của năm 2011.
Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia hối lộ trong mua sắm công rất khác nhau, tùy thuộc vào quy mô, mức độ tăng trưởng, mối quan hệ của doanh nghiệp, ngành nghề và mức độ tập trung của ngành. Doanh nghiệp quy mô vừa có xu hướng trả hoa hồng nhiều nhất. Doanh nghiệp tăng trưởng tốt có xu hướng đưa hối lộ nhiều hơn, nghĩa là những doanh nghiệp thực hiện hoạt động này có khả năng phát triển cao hơn trong môi trường kinh doanh khó khăn.
Tỷ lệ tham nhũng có xu hướng gia tăng khi chủ doanh nghiệp có mối quan hệ với cán bộ chính quyền. Tuy nhiên, mối quan hệ này ít phổ biến hơn đối với những doanh nghiệp mới hoạt động. Kết quả này cho thấy doanh nghiệp lâu năm có khả năng xây dựng, phát triển mối quan hệ chiếm ưu thế hơn so với khối tư nhân.
Những sụt giảm đáng lo ngại
Điều tra của PCI 2012 cho thấy, các doanh nghiệp có cái nhìn bi quan hơn về các lĩnh vực: Tiếp cận đất đai; chi phí thời gian; tính năng động của chính quyền tỉnh và thiết chế pháp lý.
Chỉ 32% doanh nghiệp cho rằng cán bộ địa phương làm việc hiệu quả hơn, trong khi con số này của năm 2010 là 45%.
Ở lĩnh vực tiếp cận đất đai, dù tỉ lệ doanh nghiệp có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khá cao (75%) song số doanh nghiệp nhận định nguy cơ bị thu hồi mặt bằng sản xuất lại rất cao ở mức 29%, tăng so với mức 18% của năm 2008. Nếu tính thêm nhóm doanh nghiệp nhận định rủi ro thu hồi đất là trung bình thì con số thu được thực sự đáng lo ngại. 61% doanh nghiệp nhận định tính ổn định của mặt bằng kinh doanh của họ chỉ ở mức trung bình, tỉ lệ doanh nghiệp lo ngại đã tăng gấp đôi so với năm 2008.
Tỷ lệ doanh nghiệp tin họ sẽ được bồi thường thỏa đáng mặt bằng kinh doanh bị thu hồi hiện giảm từ 41% năm 2007 xuống còn 36%.
Tương tự, tỷ lệ doanh nghiệp tin tưởng hệ thống pháp luật sẽ bảo vệ đất đai, tài sản và hợp đồng giảm từ 70% năm 2011 xuống còn 64% và doanh nghiệp ngày càng ít tin tưởng rằng nếu một cán bộ làm sai quy định, doanh nghiệp có thể khiếu nại lên cấp trên.
Chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp cũng có sự sụt giảm. Năm 2009 có đến 52% doanh nghiệp sẵn sàng chi tiền cho các dịch vụ liên quan đến công nghệ. Năm 2012, chỉ còn 30% doanh nghiệp sẵn lòng chi trả cho dịch vụ tương tự. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng, chỉ số này giảm có vẻ còn do tình hình kinh tế suy thoái đã buộc các doanh nghiệp phải thắt lưng buộc bụng, cắt giảm các chi tiêu xa xỉ như thuê tư vấn công nghệ mới.
Năm 2012, các địa phương tổ chức nhiều hội chợ thương mại hơn nhưng các doanh nghiệp tư nhân có vẻ không mấy mặn mà với việc chi tiền cho các hoạt động này. Điều này cũng phản ánh ít nhiều chất lượng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp. Bởi nếu hội chợ đem lại giá trị thì nhu cầu tổ chức hội chợ sẽ tăng lên do doanh nghiệp muốn sử dụng hình thức này để tìm kiếm thêm cơ hội.
Do đó, theo nhóm nghiên cứu, sự sụt giảm trong sử dụng dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp có thể là chỉ báo cho những vấn đề lớn hơn trong nền kinh tế Việt Nam./.