Sau nhiều năm đầu tư nguồn vốn trồng cây mai kiểng, năm nay phần lớn bà con nông dân ở làng mai vàng Tân Tây, huyện Thạnh Hóa. Long An rất phấn khởi vì sớm ký được nhiều hợp đồng đặt hàng thu mua mai vàng cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Những ngày này, tại làng mai vàng Tân Tây, huyện Thạnh Hoá tràn ngập tiếng nói cười rộn ràng. Bởi, không còn nỗi lo ế hàng Tết, vì dịch Covid-19; khi hàng chục ngàn gốc mai đã sớm có doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua; bà con đã chắc tay hơn khi có được nguồn huê lợi sớm hơn dự kiến.
Khác với cùng kỳ năm trước, dịp này gia đình anh Phạm Văn Mười, nông dân trồng mai kiểng ở ấp 4, xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa phấn khởi hơn rất nhiều vì hơn 500 gốc mai vàng trị giá hơn 1 tỷ đồng đã được một doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ. So với mọi năm sau khi trừ chi phí đầu tư thì năm nay huê lợi thu được gấp đôi. Hiện, gia đình anh Mười vẫn còn khoảng 1.500 gốc mai nữa đang được đàm phán về giá để tung ra thị trường vào những ngày cận Tết sắp tới.
Anh Mười cho biết: "Năm ngoái tôi thu nhập vô khoảng 600 - 700 triệu đồng thì năm nay thu được gấp đôi. Lúc trước chưa trồng cây mai thì kinh tế hơi kém. Tuy nhiên từ ngày trồng và có thu hoạch thì kinh tế tốt hơn rất nhiều. Mình vừa xây được nhà mới, mua sắm được tivi tủ lạnh, bàn ghế… đời sống khác hẳn mấy năm trước, vì thế cuộc sống cũng vui tươi hơn".
Theo nhiều nông dân, so với trồng lúa với thu nhập khoảng 30 đến 40 triệu đồng mỗi năm thì trồng mai vàng đã giúp nhiều bà con tại huyện Thạnh Hóa đổi đời và trở thành tỷ phú.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, nông dân trồng mai tại xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa là một trong số trường hợp điển hình. Với 4.000 gốc mai vàng được trồng, chăm sóc từ 2 đến 4 năm, năm nay mang về nguồn huê lợi hơn 3,6 tỷ đồng. Cũng như nhiều hộ dân trên địa bàn, gia đình ông Hoàng cũng rất phấn khởi vì hiện sản lượng đầu ra cho dịp Tết này đã có doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua.
"Trước mình làm lúa 2 vụ thì cũng chỉ thu được 4 chục triệu, nhưng nếu so sánh thì trồng mai thu nhập gấp 10 lần lúa. Kinh tế phát triển nông dân khá giả hơn rất nhiều, sung túc hơn. Nhà cửa xe cộ của bà con ở đây phát triển giờ rõ nét luôn. Có đầu ra, năm nay bà con ăn Tết lớn rồi, rất là vui" - ông Hoàng chia sẻ.
Làng mai vàng Tân Tây hình thành từ những hộ gia đình trồng rải rác để vui chơi và buôn bán nhỏ lẻ mỗi dịp Tết đến Xuân về. Sau gần 10 năm tập trung canh tác chuyên canh vùng trồng mai kiểng, đời sống bà con nông dân đã được cải thiện rõ nét. Nếu năm 2018 chỉ với hơn 180ha với khoảng vài chục hộ tham gia, thì đến thời điểm này diện tích trồng mai đã tăng lên 260 ha với hơn 50.000 gốc mai và 300 hộ dân chuyên trồng mai kiểng.
Đặc biệt, gần như toàn bộ nông dân khi chuyển đổi cây trồng đều thành công với sự hỗ trợ, tương tác của các nghệ nhân giàu kinh nghiệm và sự giúp đỡ về vốn cũng nhưng chuyển giao kỹ thuật của các ngành chức năng địa phương. Đa số hộ dân đã trở thành tỷ phú sau nhiều năm cần mẫn, gắn bó với cây mai vàng.
Đến Tân Tây vào những ngày này, chúng ta không khỏi choáng ngợp trước tán mai xanh mướt, chuẩn bị ươm nụ mang đi khoe sắc khắp muôn nơi. Đã không còn cảnh nông dân chân lấm tay bùn trên những thửa tràm bạt ngàn hay ruộng lúa xanh tươi, thay vào đó những gốc mai mơn mởn làm cho không khí một vùng quê tràn trề sức sống, tươi vui sau một năm khó khăn vì dịch Covid-19.
Anh Trần Văn Hẹ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Tây, huyện Thạnh Hoá, Long An cho biết: "Theo thống kê thì thu nhập năm nay của bà con làng mai khoảng hơn 70 tỷ. Có từ những thu nhập như vậy thì theo tôi nhận định bà con có niềm vui nhiều hơn, ăn Tết khang trang hơn nhiều so với nhiều năm về trước".
Còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng với làng Tân Tây thì đã ngập tràn hương sắc mùa xuân. Với sự phát triển nhanh chóng về vùng trồng, nơi đây đã trở thành vùng đất của mai vàng, góp phần tô điểm hương sắc mùa xuân phương Nam thêm rực rỡ./.