Đại biểu Quốc hội chất vấn về trách nhiệm của Chính phủ với những đổ vỡ, thất thoát tại một số DNNN thời gian qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: Theo qui định pháp luật, Chính phủ là cơ quan hành chính, hành pháp, quản lý toàn diện kinh tế, quốc phòng, an ninh... của đất nước theo qui định của pháp luật. Mỗi thất thoát, hiện tượng xã hội nào không tốt trong xã hội đều liên quan đến trách nhiệm Chính phủ và các Bộ, ngành. Chính phủ nhận thức vấn đè này và đã phân công, phân cấp trong quá trình xử lý giải quyết. Đặc biệt, Chính phủ có 1 chương trình quản lý tốt hơn, hiệu quả hơn các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, để phát huy tốt hơn nguồn lực quan trọng này trong DNNN, tránh thất thoát, lãng phí”.
Trả lời câu hỏi của đại biểu về tình hình nợ xấu trong ngân hàng hiện này có một phần lớn là từ các DNNN, Phó Thủ tướng cho rằng: Nợ xấu trong hệ thống NH là của tất cả DN (DN tư nhân, DNNN, hợp tác xã, nông dân…) chứ không phải chỉ riêng DNNN. Nhưng chúng tôi cũng phải công nhận rằng, nợ xấu hiện nay có một phần của tập đoàn, TCT Nhà nước, đặc biệt là một số tập đoàn làm ăn thua lỗ, thất thoát thời gian qua. Theo phía Ngân hàng Nhà nước thì tỷ lệ không phải là cao, không phải nguyên nhân chính nợ xấu trong hệ thống ngân hàng là từ những tập đoàn thua lỗ này”.
Đánh giá về thực trạng của các DNNN hiện nay, Phó Thủ tướng cho rằng: Vẫn còn nhiều DNNN hoạt động trong những ngành, lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác có thể làm được và hiệu quả hơn; hiệu quả sản xuất kinh doanh của DNNN còn thấp, chưa tương xứng với nguồn lực được phân bổ; quản trị doanh nghiệp đổi mới chậm, chưa theo kịp yêu cầu phát triển của kinh tế thị trường. Một số tập đoàn, tổng công ty chưa làm tốt vai trò là đầu tàu trong phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; một số tập đoàn, tổng công ty thua lỗ, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước, đất đai còn thấp; một số lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty tiêu cực, lãng phí, vi phạm pháp luật. Sau khi có các kết luận thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực gây thất thoát, lãng phí tại các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty, kể cả điều tra để truy tố theo quy định của pháp luật. Trong bối cảnh lạm phát và lãi suất tăng cao, thắt chặt tiền tệ và đầu tư để chống lạm phát, thị trường bị thu hẹp, nhiều tập đoàn và tổng công ty đang đứng trước rất nhiều khó khăn.
Trước thực tế này, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định về quản lý đối với DNNN nhưng nhiều cơ chế còn chưa khả thi, chưa đồng bộ, chưa phân định thật rõ trách nhiệm trong thực hiện quyền quản lý của chủ sở hữu; công tác kiểm tra, giám sát hiệu quả chưa cao, việc phát hiện và xử lý các vi phạm còn chậm.
Để khắc phục những tồn tại hạn chế, yếu kém trên đây, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý DNNN nói chung và tập đoàn, tổng công ty nói riêng, Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới DNNN mà trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty trong đó cổ phần hóa là giải pháp quan trọng; kiên quyết thoái vốn khỏi ngành nghề không phải là ngành nghề kinh doanh chính; gắn tái cơ cấu DNNN với tái cơ cấu nền kinh tế. Cơ cấu lại một số tập đoàn và tổng công ty hiện có cho phù hợp với thực trạng và yêu cầu nhiệm vụ; nghiên cứu ban hành Nghị định riêng về nhiệm vụ, tổ chức và cơ chế hoạt động của từng tập đoàn, tổng công ty đặc biệt quan trọng.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế phân công, phân cấp thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước bảo đảm thực hiện thường xuyên, có hiệu quả việc theo dõi, giám sát, kiểm tra, đánh giá tình hình hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước và việc chấp hành quy định pháp luật trong quản lý, điều hành doanh nghiệp của các cán bộ quản lý; có mô hình phù hợp, hiệu quả để thực hiện được nhiệm vụ này. Trước mắt, bổ sung, sửa đổi Nghị định hiện hành để quy định cụ thể hơn việc phân công, phân cấp thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với các tập đoàn và tổng công ty.
Ban hành cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước; tăng cường trách nhiệm người đại diện theo ủy quyền của chủ sở hữu nhà nước tại các DNNN; hoàn thiện cơ chế người đại diện phần vốn nhà nước; xây dựng cơ chế lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ phù hợp; thuê tổng giám đốc, giám đốc điều hành, thành viên hội đồng quản trị, hội đồng thành viên.
Hàng năm đánh giá việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quản lý của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp, trong đó chú trọng làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, từng DNNN, đặc biệt là của Bộ quản lý ngành và cá nhân người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp. Thông qua cơ chế theo dõi, kiểm tra và giám sát chặt chẽ, công khai, minh bạch sẽ kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý nghiêm minh các sai phạm theo quy định của pháp luật.
“Tất cả các tập đoàn kinh tế Nhà nước thời gian tới phải công khai, minh bạch. Sự chậm trễ vừa qua có nguyên nhân khách quan, cần có sự chuẩn bị tốt. Hơn nữa, yêu cầu thực tế là các tập đoàn, TCT cần phải công khai thông tin để có sự giám sát tốt hơn. Làm như vậy cũng góp phần chống tiêu cực trong các DNNN” – Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Chính phủ sẽ nghiên cứu và sớm ban hành tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao đối với DNNN./.