Sáng 21/7, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Tọa đàm công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô Quý II và 6 tháng đầu năm năm 2020.
Kinh tế Mỹ tăng trưởng âm; kinh tế châu Âu tiếp tục suy giảm; Nhật Bản đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch; Trung Quốc nỗ lực phục hồi nhưng triển vọng nhiều bất trắc, nhóm nước ASEAN-5 (Indonesia, Malaysia, Phillipines, Thái Lan và Việt Nam) cũng tương tự. Thị trường hàng hóa thế giới có sự phân hóa mạnh giữa giá cả các mặt hàng năng lượng và các mặt hàng lương thực...
Trong bối cảnh chung đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch, đặc biệt là khối ngành sản xuất. Cho đến đầu Quý II/2020, cụ thể là từ sau khi giãn cách xã hội cùng chỉ thị thúc đẩy du lịch nội địa, hoạt động bán lẻ hàng hóa dịch vụ khởi sắc trở lại.
Việc quyết liệt giải quyết ách tắc đầu tư công, cùng chủ trương kích thích tăng trưởng góp phần thúc đẩy vốn đầu tư toàn xã hội đạt 481.200 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ 2019... Đó là những điểm đáng chú ý của bản báo cáo thường niên được công bố ngày 21/7.
Trong đó, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 1,81% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất giai đoạn 2011-2020. Tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu khẳng định, đây là mức tăng trưởng tốt, cần phát huy tinh thần này.
"1,81%, thấp nhất 10 năm qua tuy nhiên so với các nước trên thế giới mức tăng trường này cho thấy đây là 1 trong những nền kinh tế tích cực. Có lẽ chúng ta cũng sẽ có những bước phát triển tốt giai đoạn tiếp theo" - TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Đáng chú ý, cân nhắc những yếu tố tích cực và tiêu cực đang tác động lên nền kinh tế, báo cáo cho rằng GDP cả năm 2020 có thể đạt mức tăng 3,8%. Để điều này trở thành hiện thực, ông Nguyễn Đức Thành - Cố vấn trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng: “Phụ thuộc phần lớn vào khả năng khống chế bệnh dịch trong nước và toàn cầu”.
TS. Nguyễn Đức Thành nhận định: "Chúng ta tiếp tục duy trì, dệnh dịch không có những đột biến bất lợi chúng ta sẽ đạt được 3,8% còn trong trường hợp dịch bệnh không thể kiểm soát ngay cả nước ngoài và chúng ta mở cửa, lại gặp phải các vấn đề dịch bệnh thì kinh tế chỉ tăng được khoảng hơn 2%. Chúng ta tăng trưởng dương vẫn là đáng mừng.
Các giải pháp thì nếu giải ngân chậm sẽ là cản trở. Chúng ta theo đuổi chính sách tài khóa mở rộng nhưng bối cảnh hiện nay nên thông qua việc thu hẹp các khoản thu tức là giãn, giảm tối đa các chi phí đang đặt gánh nặng lên người dân và doanh nghiệp thay vì chúng ta mở rộng theo cách vẫn thực hiện các khoản thu này và mở rộng chi tiêu"./.