Năm 2013 - năm đầy khó khăn của nền kinh tế thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng. Tuy vậy, vượt qua mọi thử thách, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng với những con số thật ấn tượng.

Cùng với việc tích lũy những kinh nghiệm “vượt khó” của 2 năm trước và hiệu ứng tích cực của các chính sách đã ban hành, các chuyên gia kinh tế dự báo, bước sang năm 2014, tình hình kinh tế Việt Nam sẽ có những khởi sắc.

tom-xut-khau.jpg
Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt trên 200 nước trên thế giới. (ảnh: KT)

Một trong những tín hiệu rõ nhất và là cơ sở để khẳng định kinh tế Việt Nam năm 2014 sẽ tăng trưởng theo chiều hướng tích cực, đó là, hiện nay, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt trên 200 nước trên thế giới. Mặc dù, năm 2013, kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn có 20 nhóm xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.

Cùng với đó, hai nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là điện tử-máy tính-linh kiện và dệt may-giày dép, chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng trưởng rất khả quan. Bên cạnh nhu cầu phát triển xuất khẩu các mặt hàng mới, các mặt hàng chế tạo phù hợp với xu hướng tiêu thụ của thị trường thế giới và định hướng chiến lược xuất khẩu, Việt Nam còn có những mặt hàng có lợi thế về điều kiện tự nhiên và nguồn lao động như thủy sản, nông sản, dệt may, điện tử... Với những kết quả đã đạt được, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định: Triển vọng kinh tế trong 2 năm sắp tới, tùy thuộc vào khả năng có cải cách gì không, có sự đổi mới gì không, nếu có đổi mới, tiềm năng sẽ có thể tăng trưởng được. Hiện nay, Chính phủ đã có sự thay đổi rồi như tái cấu trúc, cải cách hệ thống ngân hàng, ban hành chính sách mới, cần cải cách doanh nghiệp Nhà nước và xử lý vấn đề bất động sản...

Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, bên cạnh lợi thế và tiềm năng sẵn có, năm 2014 nền kinh tế vẫn chưa thể ra khỏi giai đoạn trì trệ, kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ chậm. Khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giữ được lợi thế tăng trưởng, nhưng không có sự đột biến trong năm mới này. Khu vực dịch vụ sẽ tăng trưởng khá hơn năm 2013, nhưng chưa có khả năng thúc đẩy cả nền kinh tế.

Theo ông Nguyễn Bá Ân, Tổng Thư ký Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, trong thời gian tới, để doanh nghiệp phát triển được, vĩ mô phải ổn định, tài khóa, tiền tệ phải hài hòa, tạo niềm tin cho thị trường, các nhà đầu tư. Điều này sẽ góp phần vào sự tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2014. Nếu tiếp tục đổi mới có những chính sách đẩy mạnh cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước và hình thành một nền kinh tế thị trường bình đẳng giữa các thành phần kinh tế (tư nhân, nước ngoài, Nhà nước) thì tăng trưởng trên 6% là có khả năng đạt được.

Bà Mai Thị Thu, Giám đốc Trung tâm dự báo kinh tế-xã hội và thông tin quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận định, năm 2014, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi, mặc dù khó đạt ở mức cao, nhưng tín hiệu tương đối tích cực. Nguyên nhân do quá trình tái cơ cấu mới bắt đầu và đòi hỏi cần có thời gian để chuyển đổi mô hình tăng trưởng... Với độ trễ từ 1 đến 2 năm, tác động của đầu tư đến tăng trưởng cũng như tác động đến các yếu tố khác, trong năm 2014-2015, tăng trưởng của nền kinh tế sẽ đạt mức ấn tượng. Bà Mai Thị Thu nói: Doanh nghiệp đã vượt qua được thời kỳ khó khăn nhất và cũng tự cơ cấu lại hoạt động của mình, các doanh nghiệp hiện nay đang tiếp tục hoạt động cũng đã chứng minh được năng lực của mình trong việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư và kinh doanh. Về gia tăng thương mại và đầu tư nước ngoài sẽ là điểm cộng cho khu vực thúc đẩy sự phát triển cho doanh nghiệp, cộng thêm đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp Nhà nước, ở trong nước cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng sẽ góp phần phá vỡ vòng luẩn quẩn, tạo đột biến cho doanh nghiệp để tăng sức cạnh tranh và tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng, giá trị toàn cầu.

Nhiều chuyên gia dự đoán, đầu tư ở khu vực tư nhân trong nước cũng sẽ được cải thiện trong năm 2014 nhờ những chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh triển khai trong thời gian qua phát huy tác dụng. Ngoài ra, các hoạt động mua bán, chuyển nhượng các dự án, thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng sẽ tăng mạnh trong năm nay. Những việc làm này cộng với sự tăng tốc quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước, sự nỗ lực của các doanh nghiệp, hy vọng năm 2014 sẽ là một năm khởi sắc của nền kinh tế Việt Nam./.