Trước ý kiến phản hồi của Bộ Tài chính về đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu từ 1.000 - 4.000 đồng/lít lên 3.000 - 8.000 đồng/lít, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc tăng thuế là “lợi bất cập hại” vì sẽ đẩy giá cả hàng hóa, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và giảm thu nhập của người dân.
PV: Bộ Tài chính cho biết đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường nhằm phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của nhà nước trong từng thời kỳ, đặc biệt trong điều kiện phải cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế. Ông bình luận như thế nào về lập luận này?
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Tài chính nêu quan điểm tăng thuế bảo vệ môi trường để bù đắp giảm thu từ thuế xuất nhập khẩu. Song, đề xuất tăng thuế này chưa nhận được sự đồng tình của các cơ quan chức năng, đặc biệt là dư luận xã hội.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long. |
Đề xuất tăng thuế bị phản đối mạnh do cách tính toán chưa thực sự công bằng. Tôi nhận thấy rõ, cơ quan chức năng chỉ tính toán có lợi cho mình mà chưa đề cập cụ thể đến tác động đối với xã hội, người tiêu dùng và doanh nghiệp. Trong khi đó, một chính sách được đưa ra cần phân tích rõ ràng mặt tích cực và tiêu cực.
Tạm tính cho thấy, với giá xăng dầu nhập khẩu (giá CIF) ở mức trên 9.000 đồng/lít hiện nay, mức thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng/lít tương ứng với 30% giá nhập khẩu. Đây là một tỷ lệ quá cao.
Bên cạnh đó, cách đánh thuế tuyệt đối – một khoản tiền nhất định theo một lít xăng dầu, thay vì áp thuế tương đối – tỷ lệ phần trăm theo một lít xăng dầu là không công bằng mà chỉ có lợi cho cơ quan hành thu, tức là, giá xăng dầu có tăng giảm như thế nào thì nguồn thu vẫn ở một mức cố định như vậy. Nhiều nước tiên tiến trên thế giới chỉ đánh thuế theo tỷ lệ tương đối.
Thuế là công cụ quan trọng để tăng nguồn thu bảo vệ môi trường nhưng không phải là công cụ duy nhất. Cùng với thuế, cần xem xét các công cụ khác với những chế tài xử phạt thật nặng tay với các hành vi gây tổn hại đến môi trường.
Mặt khác, Chính phủ đang chủ trương tái cơ cấu thu chi ngân sách, song, nếu chỉ nhăm nhăm tăng thu mà không chú trọng giảm chi một cách hợp lý, kỷ luật ngân sách không nghiêm thì không hẳn hiệu quả.
Ngược lại, cách thức hành thu như vậy sẽ gây nhiều hệ lụy đáng ngại là giá nguyên liệu đầu vào cao làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp từ đó dẫn đến thua thiệt ngay trên chính sân nhà. Hậu quả là, doanh nghiệp sẽ không có lợi nhuận để đóng thuế. Hay nói cách khác, việc tăng thu thuế này chính là “lợi bất cập hại”.
PV: Bộ Tài chính cũng khẳng định, giá xăng dầu của Việt Nam hiện thấp hơn các nước khác. Đây là một trong các yếu tố dẫn đến đề xuất tăng giá xăng dầu của cơ quan này. Theo ông, giá xăng dầu Việt Nam có thực sự thấp không?
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Nói như vậy là không công bằng vì giá xăng dầu Việt Nam chỉ thấp hơn một số nước, nhưng cũng cao hơn rất nhiều nước khác, đặc biệt là các nước có năng lực cạnh tranh tốt hơn Việt Nam như Singapore, Malaysia, kể cả cường quốc như Mỹ.
Đáng chú ý, khi nói đến sự cao thấp của giá xăng dầu cũng cần so sánh với thu nhập bình quân đầu người. Khi thu nhập người dân vẫn ở mức thấp mà giá xăng dầu cao cũng có nghĩa là người dân Việt Nam sẽ có ít tiền để chi tiêu hơn. Như vậy là không khoan thư sức dân.Khung điều chỉnh thuế môi trường xăng dầu áp dụng cho lộ trình dài
PV: Đến nay, các khoản chi từ thuế bảo vệ môi trường vẫn chưa được công khai một cách cụ thể. Theo ông, cách làm này có thỏa đáng không trong khi nguồn thu này đã và đang tăng lên trong thời gian qua?
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Kinh nghiệm của các nước phát triển cho thấy, nguồn thu và chi thuế bảo vệ môi trường cần được công khai minh bạch rõ ràng. Năm 2016, số thu từ thuế bảo vệ môi trường là hơn 42.000 tỷ đồng, trong khi số chi cho bảo vệ môi trường chỉ khoảng hơn 12.000 tỷ nhưng cụ thể chi như thế nào, khoản còn lại sẽ để làm gì lại không được công khai.
PV: Xin cảm ơn ông!./.