Bắt đầu từ ngày 1/7, thời gian cấp điện trên đảo Phú Quý sẽ được tăng từ 16 giờ/ngày lên 24 giờ/ngày; giá điện trên đảo cũng đã được đưa về bằng với mức giá trên đất liền từ ngày 1/6.
Công ty Điện lực Bình Thuận (thuộc Tổng công ty Điện lực miền Nam) đã hoàn tất lắp đặt thêm 2 tổ máy Diesel 2x1 MW (nâng tổng công suất lắp đặt lên 5MW) và dự án sẽ tăng thêm 2 MW nguồn Diesel trên đảo trong năm 2015.
Đảo Phú Quý sẽ được cấp điện 24 giờ/ngày (Ảnh: KT)
Ngoài ra, Công ty Điện lực Bình Thuận lắp đặt 2 bồn dầu 400m3, đường ống dẫn dầu từ cảng Phú Quý đến nhà máy dài 600m bảo đảm khả năng vận chuyển, dự trữ nhiên liệu phục vụ phát điện, nhà xưởng sửa chữa... Công ty cũng cải tạo, phát triển lưới điện trung áp dài khoảng 42 km, tổng dung lượng các trạm biến áp là 900KVA, đường dây hạ áp 5 km. Tổng mức đầu tư xây dựng ước khoảng 10 tỷ đồng.
Trước đây, Phú Quý là một trong số ít các địa phương có nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản nhất của Bình Thuận. Tuy nhiên, giá điện quá cao cũng như thời gian phát điện ngắn đã khiến nhiều doanh nghiệp chuyển cơ sở sản xuất vào trong đất liền.
Ông Huỳnh Văn Hưng, Bí thư huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Phú Quý cho rằng: “Việc thực hiện giá bán điện bằng với đất liền và nâng thời gian sử dụng điện lên 24 giờ/ngày đối với đảo Phú Quý là bước ngoặt mang tính lịch sử. Đây là yếu tố có tầm quan trọng đặc biệt đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện đảo Phú Quý và có ý nghĩa to lớn trong chiến lược an ninh quốc phòng của Đảng và Nhà nước về phát triển biển đảo của quốc gia”.
Trước thông tin giá điện trên đảo bằng với giá đất liền, người dân trên đảo hết sức phấn khởi đón nhận tin vui này. Hiện nay, rất nhiều hộ dân đã mạnh dạn mua sắm các thiết bị điện phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình. Ông Tạ Minh Nhựt, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quý nói: “Khoảng hơn một tháng trở lại đây, các cơ sở kinh doanh đồ điện gia dụng trên đảo luôn ở trong tình trạng khan hàng do nhu cầu tăng cao. Các chuyến tàu từ TP Phan Thiết đi Phú Quý luôn chật cứng các mặt hàng điện máy như: TV, tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, máy giặt, quạt máy… của người dân mua mang ra”.
Ông Nguyễn Văn Phú, chủ DN kinh doanh chế biến thủy hải sản Phú Nuôi, cho biết. “Việc ngành điện lực cung cấp đủ công suất điện phục vụ chế biến thủy sản để chúng tôi chủ động sản xuất, thay vì phụ thuộc vào dầu như trước thật sự là tin vui. Ngoài ra, trước đây, chi phí điện chiếm tới 1/3 tổng chi phí sơ chế thủy sản, giá điện cao thì hàng ở đảo giá cao, kém sức cạnh tranh với các doanh nghiệp trên đất liền.”
Là cơ sở sản xuất kinh doanh nước đá trên đảo Phú Quý, từ trước đến nay, cơ sở của ông Nguyễn Văn Bông, chủ doanh nghiệp kinh doanh nước đá Triều Dương, sử dụng 550 lít dầu/ngày để chạy máy sản xuất đá. Giá điện kinh doanh hơn 7.000 đồng /kwh nên các doanh nghiệp đầu tư máy móc sản xuất đá chạy bằng dầu, riêng chi phí bảo trì mỗi năm đã tốn 200 triệu đồng. Nay, giá điện trên đảo bằng với giá đất liền và chạy 24/24, ông Bông chuyển sang dùng điện sản xuất đá. Với giá thành sản xuất đá bằng điện, khi sản xuất đã đi vào ổn định, doanh nghiệp sẽ hạ giá sản xuất nước đá xuống khoảng 20.000 đồng/1 cây 50kg so với 30.000 đồng/cây như hiện nay./.