Hệ thống các cảng được kết nối đồng bộ các phương thức vận tải khác từ đường bộ xuống – là điểm đấu nối quan trọng vận chuyển hàng hóa bằng đường biển – góp phần giảm chi phí dịch vụ vận tải logistics.

Hiện nay, các tuyến kết nối đường bộ đến cảng là QL Nam Sông Hậu, QL60, QL1, QL61B cùng hệ thống giao thông địa phương là những tuyến vận tải quan trọng. Việc tiếp tục đầu tư hệ thống kết nối giữa hệ thống đường bộ - đường thủy – đường biển sẽ phát huy các lợi thế hạ tầng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới.

Tính đến năm 2025, tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cầu Đại Ngãi (QL60), trục kinh tế Đông - Tây, Bắc - Nam được đầu tư. Đối với tuyến đường thủy nội địa được kết nối đường thủy nội địa liên vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - Đông Nam Bộ, sông Hậu đi/đến Campuchia.

Cụ thể, đối với khu bến Trần Đề, thuộc cảng biển Sóc Trăng có vai trò cảng cửa ngõ vùng ĐBSCL, diện tích khoảng 5.000 ha, gồm: Khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics 4.000ha, tiếp nhận tàu đến 5.000T, công suất 50 triệu tấn/năm. Khu cảng ngoài khơi cửa Trần Đề 1.000ha, tiếp nhận tàu trọng tải đến 160.000DWT, công suất dự kiến khoảng 150 triệu tấn/năm.

Cảng biển Sóc Trăng (khu bến Trần Đề) có chức năng của cảng là phục vụ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp địa phương và vận chuyển hàng hóa, hành khách tuyến bờ ra đảo. Cảng có các bến tổng hợp, container, hàng rời và bến cảng khách phát triển theo định hướng xã hội hóa phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và năng lực của nhà đầu tư.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, phân tích: "Tôi cho rằng, như các nước trên thế giới cũng rất chú trọng tới việc giảm chi phí logistics. Do đó, năm 2022 cũng như những năm tiếp theo, Việt Nam sẽ tập trung đẩy mạnh kết nối hạ tầng, nhất là hạ tầng cảng biển. Như vậy, chúng ta phát huy được lợi thế hạ tầng, giảm chi phí. Từ đó, đối với hàng hóa xuất khẩu của chúng ta sẽ phát huy lợi thế giá cả vận chuyển rẻ, chi phí thấp"./.