“Chủ động nắm chắc tình hình cung cầu hàng hóa, lượng hàng dự trữ với một số mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, xăng dầu, phân bón, thuốc chữa bệnh...” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đưa ra tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trong trong giai đoạn mới do Ban Chỉ đạo 127 TW tổ chức sáng nay (29/8), tại Hà Nội.
10 năm qua (2001-2011), dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo 127 các cấp cùng các lực lượng chức năng, cộng đồng doanh nghiệp và tổ chức hiệp hội ngành hàng, công tác phòng chống buôn lậu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, ngăn chặn có hiệu quả nạn buôn lậu, hàng cấm, giảm tệ nạn hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại, góp phần bình ổn thị trường, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Tuy vậy, thị trường hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn các tỉnh, thành phố vẫn diễn biến khá phức tạp. Nhất là từ cuối năm 2008, do ảnh hưởng của suy thoái toàn cầu, thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh làm cho tình hình hàng hóa, giá cả biến động bất thường, một số mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, lương thực, thực phẩm, giá vàng, USD tăng đột biến...
Các hành vi gian lận thương mại trong 10 năm qua diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Phương thức thủ đoạn thường là quay vòng hóa đơn chứng từ; mua bán hóa đơn để hợp thức hóa hàng nhập lậu, gian lận trong việc kê khai giá trên hóa đơn bán hàng để giảm thuế giá trị gia tăng. Đặc biệt, những năm gần đây, xuất hiện tình trạng gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu như gắn chíp điện tử, trộn dầu hỏa vào xăng, dùng xăng A83 bán thành A92; gian lận trong đo lường đối với sản phẩm gas và hàng hóa đóng gói sẵn...
Với nỗ lực cao, lực lượng chức năng cả nước đã kiểm tra hơn 3,5 triệu vụ, xử lý gần 2 triệu vụ vi phạm, tổng số tiền thu được hơn 28,25 tỷ đồng.
Từ nay đến cuối năm, tình hình gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả sẽ diễn biến phức tạp, Hội nghị đề ra một số nhiệm vụ cho Ban chỉ đạo 127 các địa phương, trong đó trọng tâm là triển khai thực hiện các biện pháp kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường, kiềm chế lạm phát; Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các đối tượng khai thác, vận chuyển, kinh doanh than, khoáng sản, không để xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách hóa đơn, chứng từ vận chuyển than, khoáng sản trong nước để quay vòng hoặc bán cho các đầu nậu thu gom và xuất lậu ra nước ngoài./.