Phát biểu tại lễ nhận chức Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ngày 4/3, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn nhấn mạnh, mục tiêu và trách nhiệm của ông trong thời gian tới là làm mọi việc có thể để duy trì hoạt động của các dự án thượng nguồn (khâu đầu) và duy trì dòng tiền cho PVN.

Ông Sơn cho rằng ông “ngồi vào ghế nóng” trong thời điểm giá dầu thô xuống thấp kỷ lục, ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của PVN. Các đơn vị trong tập đoàn từ khâu đầu như Tổng công ty Thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP), Vietsovpetro đang mất cân đối dòng tiền; các đơn vị dịch vụ chủ chốt như Tổng công ty cổ phần khoan và dịch vụ dầu khí (PVD), Tổng công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí ( PTSC), Đạm Phú Mỹ (DMC)… cũng đang gặp khó khăn nghiêm trọng do khối lượng công việc giảm mạnh trên 50-60%. Lĩnh vực khâu sau như lọc dầu, điện đạm cũng đang sụt giảm doanh thu và lợi nhuận

“Ngành dầu khí đang đối mặt với các khó khăn chưa từng có trong lịch sử phát triển của mình’, ông Sơn nhận định và đề ra mục tiêu: “Tìm mọi giải pháp, làm mọi việc có thể để duy trì hoạt động của các dự án khâu đầu, và sự sống còn của các đơn vị dịch vụ”.

tst_alck.jpg
Tân Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn sẽ quyết liệt đấu tranh với các tổ chức tài chính để cải thiện dòng tiền. (Ảnh: KT)
Ông Sơn cho biết sẽ quyết liệt triển khai các giải pháp: liên tục rà soát, cắt giảm, tối ưu mọi chi phí ở tất cả các đơn vị; rà soát, tối ưu tiến độ đầu tư, tối ưu dòng tiền chi phí, đặc biệt là chi phí tài chính, tái cơ cấu các khoản vay ở các dự án, doanh nghiệp có dòng tiền âm.

Tổng giám đốc PVN cũng cho biết sẽ quyết liệt đấu tranh với các tổ chức tài chính để cải thiện dòng tiền. Đồng thời, các đơn vị dịch vụ áp dụng biện pháp làm việc trước, thanh toán sau để cải thiện dòng tiền của dự án khâu đầu và duy trì việc làm cho đơn vị.

Về tái cơ cấu và quản trị doanh nghiệp, ông Sơn nhấn mạnh: “Các thất bại, mất mát vừa qua cho thấy hệ thống quản trị/kiểm soát doanh nghiệp yếu kém là nguyên nhân chủ yếu và phải có biện pháp hoàn thiện”. Về giải pháp vốn để duy trì kế hoạch đầu tư, hàng loạt các dự án trọng điểm từ nay đến 2020 , ông Sơn yêu cầu xây dựng và thực hiện đồng bộ các giải pháp tài chính nhằm cân đối vốn, ứng phó với biến động xấu.

Mặt khác, đối với các dự án xa bờ, ở khu vực nước sâu, nhạy cảm vẫn phải tiếp tục duy trì, đồng thời gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển; tạo điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài lớn duy trì sự có mặt và triển khai hoạt động tại các khu vực nhạy cảm.

Từ nay tới 2018 triển khai bằng được dự án CRĐ lô 07-03 là dự án có vị trí quan trọng chiến lược và là điểm tựa để tiến hành các hoạt động dầu khí ra ngoài khu vực nhạy cảm xung quanh, chặn đứng sự bành trướng từ nước ngoài trên biển Đông./.