- Sẽ xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do
- Lộ trình xóa bỏ kinh doanh vàng miếng
- Toàn cảnh Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII
Thời gian qua, việc “cấm kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do và USD chợ đen” là một trong những thông tin thu hút sự quan tâm của giới đầu tư và người tiêu dùng.
Phóng viên trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Kiên, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng về vấn đề này bên lề kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XII.
** Phóng viên: Thưa ông, ông có bình luận gì về vấn đề cấm kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do và USD chợ đen ?
TS Nguyễn Đức Kiên: Việc người dân đi mua vàng miếng, nhẫn vàng trơn hay đánh thành nhẫn, hoa tai, dây chuyền là quyền của họ, Nhà nước không can thiệp vào việc đó.
Nhà nước chỉ ban hành văn bản pháp quy để hướng dẫn thị trường tiền tệ và vàng miếng, người dân căn cứ vào đó để định ra ứng xử chứ Nhà nước không cấm người dân “không được đi mua vàng”. Nghị định của Chính phủ cũng không quy định như thế và cấm điều gì mà chỉ hướng dẫn về Luật quản lý Ngoại hối và Luật Ngân hàng.
Báo chí phải có trách nhiệm làm rõ, tuyên truyền cho người dân hiểu rằng, việc sở hữu vàng miếng, kinh doanh, tích trữ vàng miếng của công dân được pháp luật bảo hộ đúng pháp luật.
Ngay cả việc dự trữ ngoại tệ bằng USD và rút ra từ ngân hàng rồi lưu trữ ở nhà cũng là quyền của công dân, Nhà nước bảo hộ. Và vấn đề “mua” hoặc “không mua” là quyền của người dân. Chẳng hạn, người dân có thân nhân ở nước ngoài gửi tiền cho họ bằng USD, Nhà nước sẽ trả bằng USD và họ có quyền lưu giữ trong ngân hàng hoặc mang về nhà cất. Việc đó Nhà nước không cấm. Nhà nước chỉ khuyến khích họ đem tiền đó ra chuyển đổi, đầu tư, tạo công ăn việc làm, tạo các nguồn thu nhập khác.
** PV: Theo ông, làm thế nào để huy động vàng và USD trong dân?
TS Nguyễn Đức Kiên: Nhà nước đã có chính sách huy động vàng và USD từ người dân để hoạt động kinh tế, đã có từ lâu rồi, tuy nhiên báo chí ít đề cập đến. Và chúng ra cũng đã có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp khi thành lập ở trong nước sẽ được Nhà nước miễn thuế 2 năm đầu, sau đó giảm thuế 50% thêm một số năm nữa.
Tất cả các văn bản đó chúng ta đã có rồi, nhưng vấn đề là chỗ, một số báo đã giật tít giật gân, câu khách nên mới xảy ra tình trạng như vừa qua.
** PV: Như ông đánh giá thì chúng ta đã đi đúng hướng?
TS Nguyễn Đức Kiên: Có thể nói rằng, trong những năm qua, thị trường tiền tệ, ngoại hối và quản lý vàng lỏng lẻo, mặc dù các quy định đã có nhưng công tác hậu kiểm của chúng ta kém.
Đến thời điểm này, việc "đô la hoá" thị trường Việt Nam, việc thanh toán bằng vàng đối với thị trường bất động sản trở thành 1 bể chứa “2 mặt”, mặt trên là “tiền tệ của Nhà nước” phát hành; mặt dưới là phương tiện thanh toán mới vận động ngầm. Chính những chính sách về tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước áp dụng trong thời gian qua hiệu quả không lâu dài là do chúng ta mới xử lý được phần “mặt trên”, còn phần “ngầm” ở dưới chưa xử lý được.
Vì vậy chúng ta phải xử lý đồng bộ cả phần trên và dưới. Đến bây giờ mới nhận ra rằng, chúng ta buông lỏng quản lý và cần phải siết chặt lại. Tôi tin rằng, biện pháp siết chặt lại không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.
** PV: Trên thực thế, nhu cầu dự trữ ngoại tệ là có thật, nhưng tại sao lại có thông tin cấm tích trữ?
TS Nguyễn Đức Kiên: Tôi phải khẳng định lại rằng, Nhà nước chưa có văn bản hay quy định nào cấm người dân dự trữ ngoại tệ nhưng chỉ yêu cầu người dân giao dịch đúng nơi, đúng chỗ. Động tác “siết chặt” vừa qua là khuyến cáo người dân buôn bán, giao dịch vàng, ngoại tệ đúng nơi quy định của Nhà nước.
Chống “đô la hoá” là chống việc mua bán, thanh toán, dùng USD làm phương tiện thanh toán chứ Nhà nước không cấm người dân có quyền sở hữu USD. Nếu có gửi vào Nhà nước thì hãy gửi ở Ngân hàng để tham gia lấy lãi, vì hiện nay lãi suất tiền gửi ngoại tệ của Việt Nam cao gấp 5 đến 10 lần so với nước sản xuất USD (tức là hơn 6%, trong khi họ chỉ có 1%).
Chúng ta không khuyến khích người dân tích trữ ngoại tệ bằng việc chuyển đồng bản tệ sang ngoại tệ. Đây chính là hình thức “đô la hoá”.
Tại sao người dân lại không chuyển sang tích trữ bằng tiền đồng?. Hiện nay, việc gửi tiền đồng lãi suất thực dương hay nói thẳng ra, với lạm phát của năm 2010 là 11,7%, lãi suất gửi 14% cộng thêm khuyến mại của ngân hàng, tính ra lãi suất thực dương của chúng ta là trên 4%. Hiện chưa có nước nào trên thế giới, lãi suất gửi ngân hàng lại cao như ở Việt Nam. Chẳng qua, người dân mất niềm tin vào tiền đồng là do báo chí thông tin một chiều.
** PV: Xin cảm ơn ông!.