Tại cuộc họp Bộ Giao thông ngày 2/6, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã yêu cầu các cơ quan chức năng triển khai Chiến lược phát triển đường sắt đến năm 2030, trong đó, cụ thể hóa các mục tiêu của chương trình hiện đại hóa đường sắt Bắc - Nam như hạng mục, kiểu đường xây dựng, loại tàu sử dụng... theo hướng công khai minh bạch để người dân và các doanh nghiệp được biết.
Tàu cao tốc đã khá phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. |
Bộ trưởng Thăng cũng đặt ra 2 nội dung cần lấy ý kiến các chuyên gia độc lập và người dân về tuyến đường sắt Bắc - Nam. Đó là xây dựng một tuyến đường sắt khổ đôi ngay trên tuyến Bắc - Nam hoặc xây dựng thành 2 đoạn Hà Nội - Vinh, TP HCM - Nha Trang. Bộ trưởng cho rằng, với cự ly tuyến ngắn 300 km thì dễ đầu tư song một số chuyên gia cho rằng, cự ly đường sắt trên 900 km sẽ hoạt động hiệu quả hơn.
"Hạ tầng đường sắt luôn bị chê cũ kỹ lạc hậu. Hết đời bộ trưởng này đến bộ trưởng khác đều bị người dân chê là lạc hậu nếu chúng ta không đầu tư thay đổi. Chúng ta không có tiền mà vẫn phải có hạ tầng, phải đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa, công nghiệp hóa, đó là vấn đề cần giải quyết", Bộ trưởng Thăng nói.
Bộ trưởng chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, lập đề án đường sắt cao tốc Bắc -Nam, phấn đấu trước năm 2020 sẽ trình Quốc hội báo cáo chủ trương xây dựng.
Theo Chiến lược phát triển đường sắt đã được Thủ tướng phê duyệt đầu năm nay, trước năm 2020, ngành giao thông sẽ nghiên cứu xây dựng mới đường sắt tốc độ cao, đường sắt đôi khổ 1,435 m, điện khí hóa trên trục Bắc - Nam, chuẩn bị xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn như Hà Nội - Vinh, TP HCM - Nha Trang.
Từ năm 2020 đến năm 2030, ngành giao thông sẽ xây dựng hệ thống đường sắt đạt tốc độ chạy tàu 160km/h-200km/h, đường đôi khổ 1,435 m và nâng cấp hạ tầng để có thể khai thác tàu cao tốc 350 km/h trong tương lai.
Đến năm 2050 sẽ hoàn thành đường sắt đôi tốc độ cao khổ 1,435 m trên toàn trục Bắc - Nam; sau 2050 sẽ khai thác tàu cao tốc 350 km/h; hoàn thành tuyến đường sắt Tây Nguyên, đường sắt xuyên Á...