Theo NHNN, để từng bước giải quyết nợ xấu, các TCTD đã tích cực thực hiện tiết giảm chi phí hoạt động (trong đó nhiều TCTD đã giảm từ 20-50% chi phí tiền lương), hạn chế chia cổ tức, lợi nhuận, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, kiểm soát rủi ro tín dụng, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, giám sát chất lượng tín dụng và việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động ngân hàng.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các TCTD vẫn tích cực gia tăng trích lập dự phòng rủi ro để tạo nguồn xử lý nợ xấu và đã chủ động xử lý một khối lượng lớn nợ xấu bằng nguồn dự phòng. Theo đó, tổng nợ xấu được xử lý bằng dự phòng rủi ro và đưa ra theo dõi ngoại bảng trong năm 2012 và 7 tháng năm 2013 là 86,3 nghìn tỷ đồng (năm 2012 là 69,2 nghìn tỷ đồng và 7 tháng năm 2013 là 17,1 nghìn tỷ đồng). Tổng số dư dự phòng còn lại đến cuối tháng 7/2013 là 75,05 nghìn tỷ đồng, tăng 10,85 nghìn tỷ so cuối năm 2012.

Các NH tiếp tục thực hiện biện pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng có khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần hỗ trợ giảm bớt khó khăn tài chính cho doanh nghiệp do không phải trả lãi phạt và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục có thể vay vốn ngân hàng, đồng thời góp phần kiềm chế nợ xấu gia tăng.

Theo nhận định của NHNN, kinh tế vĩ mô năm 2013 đã có những dấu hiệu tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn nên nợ xấu trong những tháng đầu năm 2013 vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng mạnh.

Để xử lý nợ xấu một cách căn bản và đầy đủ, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ phê duyệt Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng với mục tiêu tổng quát là tạo điều kiện cho TCTD mở rộng tín dụng với lãi suất hợp lý, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô; cải thiện thanh khoản và nâng cao sự an toàn, lành mạnh, hiệu quả hoạt động của các TCTD, thị trường tiền tệ. Phấn đấu đến cuối năm 2015 xử lý được cơ bản số nợ xấu hiện nay, kiểm soát có hiệu quả và nâng cao chất lượng tín dụng để góp phần thực hiện thành công mục tiêu của Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015, đồng thời tạo nền tảng cho sự phát triển an toàn, bền vững của hệ thống các TCTD đến năm 2020, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng tăng về vốn và dịch vụ ngân hàng cho phát triển kinh tế - xã hội.

NHNN cũng khẳng định nguyên tắc xử lý nợ xấu là huy động mọi nguồn lực trong xã hội và hạn chế sử dụng vốn ngân sách để xử lý nợ xấu. 5 nhóm giải pháp đồng bộ xử lý nợ xấu và phòng ngừa, hạn chế nợ xấu gia tăng trong tương lai cần triển khai từ nay đến năm 2015 được xác định gồm: nhóm giải pháp đối với TCTD, nhóm giải pháp đối với khách hàng của TCTD, nhóm giải pháp về cơ chế chính sách, nhóm giải pháp về thanh tra, giám sát và giải pháp thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) với sự tham gia rộng rãi của hệ thống các TCTD, khách hàng vay vốn và các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương.

Ngay sau khi Đề án được ban hành, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Đề án xử lý nợ xấu của các TCTD và Đề án thành lập Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC).

Nhờ triển khai quyết liệt, mạnh mẽ các giải pháp xử lý nợ xấu nên tốc độ gia tăng nợ xấu đã giảm dần. Đến cuối tháng 7/2013, theo báo cáo của các TCTD, tổng nợ xấu của toàn hệ thống các TCTD là 138,98 nghìn tỷ đồng chiếm 4,58% tổng dư nợ./.