Trong 8 tháng 2013, NHNN đã trình Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến và phê duyệt thêm phương án cơ cấu của 3/4 NHTMCP yếu kém còn lại, trong đó, 01 ngân hàng sẽ được hợp nhất với TCTD khác và 02 ngân hàng tự cơ cấu lại.

Trước đó, cơ quan này đã phê duyệt và chỉ đạo triển khai phương án cơ cấu của 5/9 NHTMCP yếu kém trong năm 2012 (03 ngân hàng hợp nhất với nhau, 01 ngân hàng đã sáp nhập vào ngân hàng khác, 01 ngân hàng tự cơ cấu lại).

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền thường xuyên giám sát và chỉ đạo sát sao việc thực hiện phương án cơ cấu lại của cả 8/9 NHTMCP yếu kém nói trên. Đến nay, tiền gửi và tài sản của nhân dân tại các ngân hàng này đều được bảo đảm an toàn, huy động vốn từ dân cư tăng khá, nợ xấu tích cực được xử lý và thu hối, các sai phạm đang được từng bước khắc phục, tình hình hoạt động dần được cải thiện so với thời điểm bắt đầu thực hiện cơ cấu lại.

Đối với 01 ngân hàng yếu kém còn lại, NHNN đang xem xét, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phương án tự củng cố, chấn chỉnh trên cơ sở có sự tham gia vốn của TCTD nước ngoài.

Bên cạnh việc tập trung chỉ đạo xử lý 9 NHTMCP yếu kém đã được xác định từ đầu năm 2012, NHNN đang tiếp tục đánh giá và xác định thêm một số TCTD yếu kém và yêu cầu các TCTD này xây dựng Phương án cơ cấu lại trình NHNN phê duyệt để đảm bảo xử lý dứt điểm, căn bản các TCTD yếu kém trong năm 2013 theo đúng mục tiêu đặt ra tại Đề án.

Với 4 NHTMCP có vốn của Nhà nước trên 50% vốn đã xây dựng xong phương án cơ cấu lại và NHNN đang xem xét để phê duyệt các phương án này. Tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam hoàn thiện Đề án tái cơ cấu ngân hàng này. Ngoài ra, các NHTM Nhà nước đã tích cực, chủ động thực hiện các giải pháp và biện pháp tăng vốn điều.

Đến nay, NHNN đã nhận được 24/25 phương án tái cơ cấu. NHNN đang khẩn trương xem xét phê duyệt Phương án tái cơ cấu của các ngân hàng; đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung trong Phương án tái cơ cấu để đảm bảo các yêu cầu của Đề án cơ cấu lại đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngoài ra, NHNN đã chỉ đạo Qũy tín dụng nhân dân (QTDND) Trung ương hoàn thành việc chuyển mô hình hoạt động thành Ngân hàng Hợp tác xã nhằm thực hiện tốt mục tiêu liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính và điều hòa vốn trong hệ thống các QTDND, góp phần giúp các QTDND cơ sở hoạt động hiệu quả theo nguyên tắc hợp tác xã. Đồng thời, NHNN cũng đã phối hợp với các cơ quan liên quan và chính quyền các tỉnh, thành phố tổ chức Hội nghị tổng kết tình hình thực hiện Chỉ thị số 57 của Bộ Chính trị ngày 10/10/2000 về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND nhằm đánh giá kết quả đạt được và những tồn tại cần kịp thời khắc phục để đạt được mục tiêu phát triển hệ thống QTDND đã được phê duyệt tại đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” và đến năm 2020. Trên cơ sở kết quả tổng kết, NHNN đang chỉ đạo các đơn vị chức năng và hệ thống QTDND thực hiện có kết quả lộ trình tái cơ cấu, đảm bảo cho hệ thống QTDND phát triển theo đúng mục tiêu đã đặt ra tại Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2011-2015.

Cùng với hệ thống QTDND, NHNN cũng chú trọng chỉ đạo các TCTD phi ngân hàng xây dựng và triển khai phương án cơ cấu lại. Trong đó, NHNN đã hướng dẫn từng TCTD phi ngân hàng hoàn thiện Phương án cơ cấu lại và chỉ đạo các TCTD phi ngân hàng yếu kém khẩn trương hoàn thiện phương án tái cơ cấu.

Trong 8 tháng năm 2013, NHNN tiếp tục thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ và chỉ đạo hệ thống các TCTD Việt Nam hoàn thiện và thực hiện có kết quả Phương án cơ cấu lại theo đúng lộ trình đã được phê duyệt tại Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015”. Về cơ bản, các TCTD tiếp tục hoạt động ổn định, chất lượng hoạt động đang dần được cải thiện; đến thời điểm 31/7/2013, tổng vốn điều lệ toàn hệ thống là 404,5 nghìn tỷ đồng, tăng 10,49 nghìn tỷ đồng (2,66%) so với cuối năm 2012. Các TCTD đã bước đầu cơ cấu lại hoạt động kinh doanh và danh mục tài sản, định hướng chiến lược kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh; từng bước chuyển dịch mô hình kinh doanh theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng và tăng nguồn thu từ các hoạt động phi tín dụng trên cơ sở đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, chuyển tiền, thanh toán, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Bên cạnh đó, các TCTD đã quan tâm đổi mới, nâng cao hiệu quả hệ thống quản trị, điều hành, hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ và rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp lại mạng lưới; tiếp tục hoàn thiện, hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin (hệ thống core-banking, ngân hàng điện tử, thanh toán, chuyển tiền nội bộ, tự động hóa và chuyên môn hoá nghiệp vụ)./.