Trong phiên họp hôm nay (6/11), đại biểu Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là lần thứ 3, Dự thảo này được đưa ra bàn thảo trước khi Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 này. Về cơ bản, Dự thảo lần này nhận được sự đồng thuận của đông đảo cử tri và đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị ban soạn thảo làm rõ một số nội dung về thu hồi đất, quy hoạch sử dụng đất và giá đất.
Cần quy định chặt chẽ hơn các trường hợp thu hồi đất
Nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri ghi nhận, ban soạn thảo đã chỉnh sửa Dự thảo Luật Đất đai theo hướng tích cực, nghiêm túc và giải quyết được những vấn đề mấu chốt, còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến vấn đề quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất.
Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang cho biết: Quốc hội, Chính phủ và Hội đồng nhân dân mới có thể thu hồi đất (Ảnh minh họa/Nguồn: KT) |
Cử tri Nguyễn Trần Lâm, ở Hoàng Mai, Hà Nội cho rằng, thời gian qua, số vụ việc và số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai chiếm tỷ lệ lớn. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là chính sách bồi thường cho người có đất bị thu hồi còn nhiều bất cập, hay thay đổi, thiếu nhất quán, giá bồi thường thấp, có sự chênh lệch quá lớn giữa giá đất bồi thường so với giá thị trường hoặc giá nhà đầu tư bán.
Cử tri Nguyễn Trần Lâm đề nghị, Luật Đất đai sửa đổi lần này, cần quy định chặt chẽ hơn các trường hợp thu hồi đất, hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân có đất bị thu hồi, đồng thời người dân có quyền có ý kiến về quy hoạch sử dụng đất liên quan đến quyền sử dụng đất của mình.
“Muốn thu hồi đất, muốn giải phóng mặt bằng, phải có sự công minh, theo đúng chính sách của đảng và nhà nước. Đồng thời, khi thu hồi đất, phải giải quyết cho người bị thu hồi công ăn việc làm” – ông Lâm nhấn mạnh.
Ủy ban Nhân dân không có quyền thu hồi đất
Một trong những vấn đề nữa mà nhiều cử tri quan tâm là cấp nào có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất. Cử tri Đào Văn Nhân, ở Tây Hồ cho rằng, cần quy định rõ ràng hơn về thẩm quyền quy hoạch sử dụng đất, công khai quy hoạch: “Quyền thu hồi đất ít nhất phải từ cấp tỉnh trở lên”.
Nếu trước đây việc quy hoạch đất được coi như đặc quyền, đặc lợi của người có thẩm quyền, thì nay được công khai, minh bạch, người dân có thể tham gia ý kiến trực tiếp vào công tác quy hoạch. Việc điều chỉnh này sẽ đảm bảo công bằng xã hội, tránh phát sinh vấn đề tiêu cực, tham nhũng liên quan đến lĩnh vực đất đai.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang cho biết: “Có nhiều trường hợp thu hồi đất nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích. Những tồn tại này, trong Luật mới sẽ được giải quyết. Theo thẩm quyền, Quốc hội, Chính phủ và Hội đồng Nhân dân mới có thể thu hồi đất, chứ không phải Ủy ban Nhân dân có thể thu hồi đất”.
Về giá đất, trong dự thảo luật đã quy định rõ về khung giá đất của Chính phủ, bảng giá đất của các tỉnh có thời hạn 5 năm thay vì 1 năm như trước đây. Tuy nhiên, đại biểu Đinh Xuân Thảo đoàn Hà Nội đề nghị cần quy định rõ giá đất trước khi đầu tư hay sau khi đầu tư để tránh gây khiếu kiện của người dân.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng, đoàn Bình Phước cho rằng, cần xem xét tính thống nhất nội dung về đất đai trong Hiến pháp và Luật Đất đai. Trong đó, về quy hoạch sử dụng đất cần hiến định những vấn đề chung, khái quát, còn nội dung cụ thể nên để cho Luật định: “Vì nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, quản lý nhà nước bằng pháp luật chứ không phải bằng quy hoạch, vì quy hoạch luôn luôn thay đổi. Vì việc dựa vào quy hoạch để thu hồi đất nhiều khi cũng dễ bị lợi dụng”.
Sau phiên thảo luận ngày 6/11, ban soạn thảo tiếp tục chỉnh sửa hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, trình Quốc hội biểu quyết thông qua vào ngày 29/11 tới./.