Sau 5 năm (2015-2020) thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, Sơn La đã vươn lên trở thành vựa trái cây lớn nhất miền Bắc, được đánh giá là “hiện tượng nông nghiệp” của Việt Nam, với những con số “biết nói”.

Đến năm 2020, toàn tỉnh Sơn La có hơn 80.000 hecta cây ăn quả và cây sơn tra, sản lượng quả ước đạt 450.000 tấn.

Có hơn 17.000 hecta cây trồng được áp dụng quy trình sản xuất an toàn; hơn 4.700 héc ta cây ăn quả được cấp mã số vùng trồng; 9 sản phẩm quả mang thương hiệu Sơn La (trên tổng số 21 sản phẩm nông sản của tỉnh) được cấp bằng bảo hộ

Có 147 chuỗi cung ứng thực phẩm án toàn và 16 mặt hàng nông sản được xuất khẩu sang thị trường 12 nước.

Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 hecta đất trồng trọt năm 2020 đạt 47 triệu đồng/ha, tăng 83% so với năm 2015.

Thành công và những đột phá trên là tiền đề quan trọng, là động lực thôi thúc các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân Sơn La hiện thực hóa khát vọng xây dựng Sơn La trở thành trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của vùng Tây Bắc trong giai đoạn 2020-2025.

Ông Nguyễn Hữu Đông, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La cho biết, Trung ương giao cho tỉnh 2 việc, một là sẽ cố gắng tập trung quan tâm đến các logistics liên quan đến nông nghiệp, hai là tập trung để có trung tâm nghiên cứu khoa học tại Mộc Châu. Trung ương cũng rất mong muốn Sơn La trong thời gian tới sẽ là trung tâm sản xuất, chế biến nông sản của vùng Tây Bắc. Thực hiện theo đúng kết luận của Bộ Chính trị chúng tôi sẽ cố gắng ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo và sẽ phát triển công nghiệp chế biến nông sản là lĩnh vực được tỉnh đặc biệt quan tâm.

Theo đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La đã ban hành 2 đề án, nghị quyết phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, gồm Nghị quyết về phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao và Nghị quyết về phát triển công nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh.Trong đó, xác định xây dựng và hình thành 1 khu, 20 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Có 8 vùng trở lên đủ điều kiện công nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có 2 doanh nghiệp trở lên được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Là địa phương có 48.000 hecta đất sản xuất nông nghiệp, Ban thường vụ huyện ủy Mai Sơn đã ban hành Nghị quyết lãnh đạo, UBND huyện đã ban hành kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện với mục tiêu đến năm 2025, địa phương sẽ trở thành vùng trọng điểm để phát triển ứng dụng công nghệ cao, trong đó hạt nhân là 4 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với trọng tâm là 3 vùng cây ăn quả và 1 vùng cà phê. Đồng thời có thêm 1 vùng chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao để làm mô hình nhân rộng.

Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Mai Sơn nói, đối với 4 nhóm cây trên địa bàn, hiện nay, huyện đang tập trung chỉ đạo người dân áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất và sản lượng các loại cây trồng. Trong đó sẽ trọng tâm, trọng điểm để phát triển ứng dụng công nghệ cao vào các nhóm cây trồng có giá trị kinh tế cao, làm mô hình thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Theo 2 đề án, nghị quyết phát triển nông nghiệp của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La khóa XV đã ban hành gồm: Nghị quyết về phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao và Nghị quyết về phát triển công nghiệp chế biến nông sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh đã xây dựng 20 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương.

Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Sơn La chia sẻ, Trung tâm khuyến nông, Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật đã xây dựng các chương trình, đặc biệt là các mô hình về ứng dụng công nghệ cao để có những diện tích cây ăn quả tập trung, có sản lượng, chất lượng tốt, đáp ứng được nhu cầu theo thị trường. Đặc biệt, chúng tôi tiếp tục cơ cấu ngành nông nghiệp; ví dụ các loại cây ăn quả đã có diện tích tương đối lớn, nhưng hiện nay theo tín hiệu thị trường cũng phải điều chỉnh để làm sao đáp ứng được theo từng tiêu chuẩn theo từng thị trường khách hàng.

Trong chiến lược thu hút đầu tư  vào nông nghiệp, tỉnh Sơn La xác định thu hút đầu tư có trọng tâm, khai thác và phát huy cao nhất mọi tiềm năng, lợi thế, nhất là điều kiện tự nhiên và khí hậu, bản sắc văn hóa, con người.

Các lĩnh vực ưu tiên phát triển của Sơn La đã được vạch rõ ràng: Phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch, công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo và phát triển năng lượng sạch.

Chiến lược thu hút đầu tư của Sơn La lấy nguồn vốn ngoài ngân sách là động lực chủ yếu, tạo động lực phát triển đối với từng ngành, lĩnh vực, từng bước nâng cao năng lực của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 50 cơ sở, nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu tăng 8 nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu quy mô lớn so với năm 2015.

Sau nhiều năm thu mua nông sản của Sơn La, năm 2020, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đã đầu tư xây dựng Trung tâm chế biến rau quả Doveco Sơn La tại huyện Mai Sơn, với công suất 52 nghìn tấn sản phẩm/năm, gồm 3 dây chuyền: Dây chuyền lạnh IQF; dây chuyền đồ hộp và dây chuyền nước quả cô đặc và nước quả tự nhiên.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Công ty cho biết: Hiện nay, Doveco Sơn La đã ký hợp đồng với 41 HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp để liên kết trồng và thu mua sản phẩm.

 “Sau rất nhiều năm, Doveco thu mua các sản phẩm nông sản, trái cây từ Sơn La về để chế biến, chúng tôi nhận thấy với lợi thế đặc thù được thiên nhiên ưu đãi đã đem đến kết quả, chất lượng nông sản của Sơn La rất tốt. Ví dụ như quả xoài của Sơn La, khi chúng tôi thu mua về chế biến thì màu sắc chế biến rất đẹp, khách hàng Châu Âu đánh giá rất cao”, ông Tùng cho biết.

Nông nghiệp, nông dân và nông thôn luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, trong  đại dịch Covid 19 vừa qua cũng đã khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của khu vực này. Là tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn, Sơn La luôn có quyết tâm, khát vọng phải đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, tập trung khắc phục hạn chế, khó khăn để xây dựng tỉnh Sơn La phát triển nhanh và bền vững; trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và là trung tâm sản xuất, chế biến nông sản  của vùng Tây Bắc, ngày càng mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào các dân tộc, nơi phên dậu của Tổ quốc./.

 Bài viết cùng loạt bài: